Mặt bằng lãi suất huy động đã về mức thấp hơn giai đoạn dịch bệnh. Ảnh: TL.

 
Việt Hà Thứ Sáu | 24/11/2023 09:30

Kỳ vọng lãi suất cho vay tiếp tục giảm

Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng bình quân của các ngân hàng thương mại giảm xuống 5,3%/năm tính đến ngày 26/10.

Theo góc nhìn của Công ty Chứng khoán VNDirect, áp lực tỉ giá giảm bớt tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước bơm lượng tiền đã hút ròng trước đó ra thị trường thông qua kênh OMO. Số liệu từ VNDirect, trong tuần từ ngày 6 đến ngày 10/11, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng khoảng 50.000 tỉ đồng qua kênh OMO, nhờ đó giảm lượng tín phiếu đang lưu hành xuống gần 155.000 tỉ đồng. Động thái này đã tạm thời xóa tan lo ngại thị trường về việc Ngân hàng Nhà nước sẽ đảo ngược chính sách nới lỏng tiền tệ do áp lực tỉ giá.

 

Về mặt bằng lãi suất, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng bình quân của các ngân hàng thương mại giảm xuống 5,3%/năm tính đến ngày 26/10/2023, giảm 0,3 điểm phần trăm trong tháng 10 và 2,5 điểm phần trăm so với cuối năm 2022. Lãi suất tiền gửi đã về mức thấp, như đã từng thấy trong giai đoạn COVID-19 do thanh khoản hệ thống dư thừa trong bối cảnh nhu cầu tín dụng yếu. 

Tính đến ngày 31/10, tín dụng toàn hệ thống chỉ tăng 7,39% so với hồi đầu năm, cách xa mục tiêu 14% cho cả năm 2023. Ngoài ra, Chính phủ còn thúc đẩy đầu tư công và mở rộng tài khóa, từ đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế. “Chúng tôi kỳ vọng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng bình quân sẽ ở mức 5,2%/năm vào cuối năm 2023. Chúng tôi cũng kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục xu hướng giảm trong những tháng cuối năm nay nhờ chi phí huy động của các ngân hàng thương mại giảm nhanh trong thời gian gần đây”, báo cáo của VNDirect viết. 

Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần hạ lãi suất điều hành và tiếp tục duy trì định hướng về kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong việc tiếp cận vốn. 

 

Lãi suất huy động trung bình tại hệ thống ngân hàng trong tháng 10 tiếp tục giảm thêm 30-50 điểm tùy từng kỳ hạn, đưa mức giảm lãi suất huy động từ đầu năm xuống khoảng 220-270 điểm. Như vậy mặt bằng lãi suất huy động đã về mức thấp hơn giai đoạn dịch bệnh.

Theo dữ liệu từ Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), lãi suất cho vay đã có những điều chỉnh giảm trong các tháng gần đây tuy có sự phân hóa giữa các ngành nghề và có độ trễ so với lãi suất huy động.

Tính đến 24/10/2023, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 7,1%, nhu cầu tín dụng yếu và dự báo khó tăng đột biến trong phần còn lại của năm 2023. “Chúng tôi cho rằng cần thêm thời gian trước khi tăng trưởng tín dụng gia tốc trở lại, dự báo tăng trưởng tín dụng cho cả năm có khả năng đạt khoảng 12%”, VCBS nhận định. 

Đồng quan điểm, Công ty Chứng khoán Mirae Asset cũng kỳ vọng tín dụng tăng trưởng 12% so với cùng kỳ trong năm 2023, dựa trên cơ sở: 1) Lãi suất cho vay có thể giảm hơn nữa, trên cơ sở lãi suất huy động đã giảm thêm; 2) Yếu tố mùa vụ: Tín dụng thường tăng tốc trong quý IV trong bối cảnh chi tiêu tiêu dùng và đầu tư công cũng thường tăng tốc trong quý IV; 3) Xuất khẩu đã có dấu hiệu khởi sắc, đi kèm sản xuất trong nước đang dần sôi động hơn.

Có thể bạn quan tâm 

Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt 12,6% GDP năm 2022