Ảnh: Vicostone.

 
Kim Anh Thứ Hai | 28/09/2020 09:33

Kỳ vọng hồi phục xuất khẩu đối với Vicostone

Doanh thu từ hoạt động xuất khẩu luôn chiếm một phần rất quan trọng trong cơ cấu doanh thu của Vicostone.

Cơ cấu trọng yếu của doanh thu xuất khẩu

Công ty Cổ phần Vicostone (HNX: VCS) hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh đá thạch anh. Năm 2019, Công ty ghi nhận kết quả kinh doanh rất tích cực. Doanh thu năm 2019 Vicostone đạt 5.562 tỉ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế của Công ty ở mức 1.410 tỉ đồng, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu xuất khẩu trong năm tăng mạnh 30,9% so với năm 2018, đạt mức 4.223 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng 75% trong cơ cấu doanh thu năm 2019.

 

Ban lãnh đạo Công ty cho biết, năm 2019 Vicostone tiếp tục thúc đẩy mạnh phát triển thị trường trọng yếu và mở rộng thị trường mới, tiềm năng thông qua hệ thống đại lý và đầu tư vào hoạt động truyền thông, thương hiệu, giúp kim ngạch xuất khẩu tăng gần 30% so với năm 2018.

Doanh thu của Vicostone chủ yếu đến từ hoạt động xuất khẩu tại các thị trường chính như Bắc Mỹ, Úc, châu Âu chiếm 98,08%. Bên cạnh đó trong năm 2019, Vicostone đã được hưởng lợi từ cuộc chiến tranh thương mại của Mỹ - Trung và việc khỏi kiện về vấn đề chống bán phá giá của Trung Quốc khiến cho sản lượng xuất khẩu thạch anh sang của nước này sang Mỹ giảm hơn 90% so với năm 2018. Thị trường Mỹ cũng là thị trường chiếm 50% tổng doanh thu xuất khẩu của Công ty, thị phần của Vicostone tại thị trường này sau hơn 10 năm đạt 7,5%.

Trong nửa đầu năm 2020, Công ty đạt hơn 2.494,7 tỉ đồng doanh thu thuần, giảm nhẹ 1,2% so với cùng kỳ 2019. Lợi nhuận sau thuế của Vicostone đạt hơn 560,9 tỉ đồng trong nửa đầu năm 2020, giảm 16,3% so với nửa đầu năm 2019. Giải trình về kết quả kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2020, Vicostone cho biết đại dịch COVID-19 đã gây ra những hậu quả nặng nề về kinh tế cho toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Các thị trường lớn của Vicostone bị ảnh hưởng nghiêm trọng do yêu cầu giãn cách xã hội và đóng cửa nền kinh tế. Các dự án và công trình bị dừng, việc đầu tư cho xây dựng mới và cải tạo giảm mạnh. Do vậy, doanh thu và lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm 2020 của Vicostone giảm so với cùng kỳ năm 2019.

Kỳ vọng xuất khẩu hồi phục

Công ty Chứng khoán Mirae Asset đặt kỳ vọng sự hồi phục từ xuất khẩu sẽ tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của Vicostone trong phần còn lại của năm 2020. Theo đó, Mirae Asset dự phóng doanh thu thuần năm 2020 của Vicostone ở mức 5.285 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế ở mức 1.252 tỉ đồng, giảm lần lượt 5% và 11,2% so với năm 2019.

 

Dự phóng này được đưa ra dựa trên các giả định biên lãi gộp của Công ty cải thiện một phần nhờ giá của quatz và nhựa polyester giảm sẽ cải thiện mức biên lợi nhuận gộp mức 33%. Chi phí lãi vay tiếp tục duy trì ở mức cao tăng 20,4% so với cùng kỳ. Thuế doanh nghiệp tiếp tục được hưởng ở mức ưu đãi ở mức 15% lợi nhuận. Và giả định doanh thu tài chính tiếp tục giảm do lãi tiền gửi ở mức thấp.

Theo đánh giá của ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vicostone: “Năm 2020 sẽ tiếp tục là một năm đầy thử thách với Vicostone. Nền kinh tế thế giới dự báo sẽ chững lại, thậm chí có nguy cơ suy thoái do ảnh hưởng của hàng loạt sự kiện”.

Cụ thể, mức độ lan rộng của dịch COVID-19 bắt nguồn từ Trung Quốc tháng 12.2020 sẽ có thể tạo nên tác động khó lường trên quy mô toàn cầu. Ngoài ra, nguy cơ chiến tranh thương mại giữa các nước lớn, cuộc chiến giá dầu với dấu hiệu của cuộc khủng hoảng dầu mỏ đang ảnh hưởng lớn đến nhu cầu xây dựng mới và cải tạo lại nhà ở tại các thị trường lớn của Công ty, tác động mạnh đến nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm bề mặt trong đó có đá thạch anh. Trước bối cảnh đó, Vicostone sẽ đối diện với bài toán đầy thách thức để nâng cao sức cạnh tranh nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng.

 

Về bối cảnh trong nước, sự tăng tốc của xuất khẩu là 1 trong 2 yếu tố được kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng chung của nền kinh tế trong năm 2020. Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, giá trị xuất khẩu tháng 8 ước tăng 6,5% so với tháng trước lên mức 26,5 tỉ USD, lập kỷ lục mới về giá trị xuất khẩu theo tháng.

Lũy kế 8 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu tăng 1,5% so với cùng kỳ lên mức 174,1 tỉ USD. Đặc biệt động lực kéo xuất khẩu tăng trưởng đến từ khối doanh nghiệp trong nước, với tổng giá trị xuất khẩu của khối ước đạt 60,8 tỉ USD, tăng 15,3% so với 8 tháng đầu năm 2019. Trong khi đó, xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI giảm 4,5% so với cùng kỳ năm 2019, xuống mức 113,3 tỉ USD.

Công ty Chứng khoán VNDirect ước tính thặng dư thương mại năm 2020 có thể tăng 44% so với năm 2019 lên mức 16,4 tỉ USD. Công ty chứng khoán này cũng cho rằng thặng dư thương mại gia tăng sẽ hỗ trợ tăng trưởng GDP cũng như góp phần ổn định giá trị đồng Việt Nam so với các đồng tiền khác.

* Có thể bạn quan tâm 

►BIMICO dậy sóng nhờ đầu tư công

►Doanh nghiệp bán lẻ kinh doanh ra sao trong cơn đại dịch?