Thứ Ba | 29/10/2013 09:14

Kỷ nguyên dầu mỏ bắt đầu đi đến hồi kết

Cung cầu dầu mỏ thế giới thay đổi đáng kể trong ba năm qua; giá dầu và giá xăng có xu hướng giảm.
Trong vài tháng qua, khi tình hình Ai Cập chưa ổn định, vấn đề sử dụng vũ khí hoá học ở Syria làm tình hình căng thẳng, các tay súng tấn công và cản trở hoạt động xuất khẩu dầu ở Libya, một câu hỏi lại xuất hiện là liệu thế giới có phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng dầu mỏ mới hay không? Và thế giới có trở lại thời kỳ giá dầu ở mức cao chót vót 147 USD/thùng hay không?

7 cuộc khủng hoảng dầu mỏ 40 năm qua

Theo các nhà phân tích, các cuộc khủng hoảng dầu mỏ trong 40 năm qua đều có liên quan tới xung đột chính trị và suy thoái kinh tế, làm giá dầu liên tục dao động, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình hình kinh tế-tài chính thế giới.

Một, cuộc chiến Israel-Ai Cập-Syria và khủng hoảng dầu mỏ Trung Đông 1973-1975: Khủng hoảng dầu mỏ bắt đầu diễn ra từ ngày 17/10/1973 khi các quốc gia thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) quyết định ngừng cung cấp nhiên liệu sang Mỹ, Nhật Bản và Tây Âu, nhằm trả đũa sự ủng hộ của nhóm này đối với Israel trong cuộc chiến giữa Israel và Ai Cập-Syria. Sự kiện này đã khiến giá dầu thế giới tăng cao đột ngột và gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế 1973-1975 trên quy mô toàn cầu. Giá dầu đã tăng từ 3,01 USD/thùng lên 5,11 USD/thùng và gần 12 USD/thùng vào giữa 1974.

Hai, cách mạng Iran và khủng hoảng dầu mỏ năm 1979: Cách mạng Iran được coi là cuộc cách mạng lớn thứ ba trong lịch sử nhân loại sau Cách mạng Pháp, Tháng Mười Nga, đã gây ra cuộc khủng hoảng dầu mỏ lớn thứ hai thế giới. Đầu năm 1978, Iran xuất khẩu 5,4 triệu thùng dầu/ngày, chiếm 17% tổng sản lượng của OPEC. Tuy vậy, hoạt động sản xuất dầu mỏ của Iran đã suy giảm khi cách mạng Iran diễn ra. Giá dầu đã tăng lên mức kỷ lục do tình trạng đầu cơ và quyết định ngừng nhập khẩu dầu Iran của Tổng thống Mỹ Jimmy Carter. Trong 12 tháng, giá dầu đã tăng từ 15,85 USD/thùng lên 39,5 USD/thùng, dẫn tới tình trạng lạm phát và thất nghiệp tăng mạnh.

Ba, giá dầu lao dốc thập niên 1980: Kinh tế thế giới yếu kém khiến giá dầu xuống dốc không phanh trong những năm 1980. Nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu giảm tốc trong giai đoạn 1981-1986 do tăng trưởng kinh tế chậm tại các nước công nghiệp. Nhu cầu nhiên liệu ở các nền kinh tế tiêu thụ dầu mỏ lớn như Mỹ, Nhật Bản và châu Âu giảm 13% trong giai đoạn 1979-1981. Vì vậy, giá dầu giảm mạnh từ 35 USD/thùng năm 1981 xuống dưới 10 USD/thùng năm 1986, qua đó làm lợi cho rất nhiều nước tiêu thụ dầu lớn như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu và thế giới thứ 3, nhưng lại gây thiệt hại cho các nước xuất khẩu dầu ở Bắc Âu, Liên Xô cũ và OPEC. Nhiều doanh nghiệp năng lượng của Mexico, Nigeria và Venezuela gần như phá sản.

Bốn, khủng hoảng giá dầu năm 1990: Giá dầu thế giới tăng 13% vào tháng 8/1990 vì cuộc chiến tranh vùng Vịnh. Liên Hợp Quốc đã áp dụng lệnh cấm xuất khẩu dầu toàn phần đối với Iraq và Kuwait sau cuộc chiến này, làm giảm nguồn cung dầu cho thị trường dầu mỏ thế giới gần 5 triệu thùng/ngày. Cuộc khủng hoảng dầu mỏ này kéo dài trong 9 tháng và giá dầu tăng gấp đôi chỉ trong 2 tháng từ 17 USD/thùng lên 36 USD/thùng. Cuộc khủng hoảng lần này góp phần vào cuộc suy thoái kinh tế ở Mỹ và ảnh hưởng đến một số nền kinh tế Tây Âu, Nhật Bản.

Năm, giá dầu rơi tự do năm 2001: Kể từ năm 2000, nhất là từ sau sự kiện khủng bố tấn công ở Mỹ ngày 11/9, kinh tế thế giới suy giảm và giá dầu thế giới cũng "rơi tự do". Năm 2001, giá dầu chỉ còn 20 USD/thùng trong bối cảnh nhu cầu năng lượng giảm mạnh.

Sáu, khủng hoảng giá dầu 2007-2008 : Năm 2007, giá dầu vọt lên gần 100 USD/thùng; tháng 7/2008 lên trên 147 USD/thùng, mức cao chưa từng có. Trong bối cảnh đồng USD mất giá nghiêm trọng, nhiều nước có lượng ngoại tệ dự trữ lớn bằng đồng USD và OPEC phải dự liệu khả năng chuyển sang sử dụng loại ngoại tệ mạnh khác để tính giá dầu. Dầu đắt đỏ và nguy cơ cạn kiệt nguồn cung đã làm bùng lên cuộc tranh chấp giữa các cường quốc về chủ quyền đối với những giếng dầu lớn và đáy biển ở Bắc cực cũng như Nam cực. Khủng hoảng tài chính bùng phát vào giữa năm 2007, lên đến cực điểm vào tháng 10/2008, lan rộng và đẩy nền kinh thế giới vào cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng.

Bảy, cú sốc dầu mỏ 2011: Bất ổn ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi gây sóng gió trên thị trường nhiên liệu, với giá dầu giữ ở mức trên 100 USD/thùng. Giá dầu mỏ tăng cao đã tác động tiêu cực tới thị trường chứng khoán và giao thông vận tải.

Một cuộc khủng hoảng dầu mỏ mới hay sự chấm dứt của kỷ nguyên dầu mỏ?

Câu trả lời của hầu hết chuyên gia năng lượng chắc chắn là “không” do cán cân cung cầu dầu mỏ thế giới về cơ bản đã thay đổi đáng kể trong ba năm qua.

Công ty tài chính Raymond James đã công bố một báo cáo dự đoán giá dầu sẽ giảm từ mức 109 USD/thùng năm 2013 xuống 95 USD/thùng năm 2014 và 90 USD/thùng năm 2015. Một số nhà phân tích dự kiến giá dầu thậm chí còn giảm tiếp và không chỉ do hoạt động khai thác khí đá phiến bùng nổ ở Mỹ và sự phát triển nhanh chóng của ngành dầu cát ở Canada. Giá dầu ở mức khoảng 100 USD/thùng là hợp lý vì con số này đủ cao để khuyến khích các khoản đầu tư lớn vào những công nghệ khai thác mới và hoạt động đầu tư đáng kể để cải thiện mức độ tiết kiệm năng lượng.

Những dự đoán về giá dầu và giá xăng đều mang tính tạm thời khi hiện nay có quá nhiều nhân tố rủi ro về chính trị và an ninh. Tuy vậy, có thể là thế giới đã bước vào một giai đoạn mà giá dầu tương đối dự đoán được. Thậm chí khi giá dầu ở mức cao nhất vào mùa Hè vừa qua thì vẫn thấp hơn gần 25% so với mức cao kỷ lục cách đây 5 năm. Và trong khi giá dầu cao hơn một chút so với con số 100 USD/thùng được coi là cao nếu xét theo lịch sử, thì đây là mức hợp lý đáng ngạc nhiên.

Sự mở rộng và chuyển giao công nghệ cũng như kỹ thuật khai thác khí đá phiến của Mỹ sang các nước đang phát triển hứa hẹn sẽ giúp làm tăng sản lượng dầu mỏ thế giới, nhất là các quốc gia không thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) với các mỏ khí đá phiến lớn chưa khai thác như Mexico, Argentina, Trung Quốc, Australia và Nga. Chỉ riêng sản lượng dầu mỏ của Mỹ đã tăng thêm xấp xỉ 3 triệu thùng/ngày trong 6 năm qua lên các mức cao nhất trong gần 25 năm qua, và sẽ tiếp tục tăng từ mức 7,6 triệu thùng/ngày lên 9 triệu thùng/ngày vào cuối thập niên này.

Sẽ có người hưởng lợi và người bị thiệt từ sự ổn định giá dầu như trên. Một vài nước sản xuất dầu mỏ như Venezuela, Nigeria, Saudi Arabia, Nga, có ngân sách chính phủ và các chương trình xã hội phụ thuộc nhiều vào doanh thu xuất khẩu dầu mỏ, có thể gặp một cú sốc. Điều này củng cố vị thế của Mỹ và thậm chí là Trung Quốc, nhưng sẽ dẫn tới sự bất ổn hơn ở các khu vực như Trung Đông và có thể có những hậu quả không thể dự đoán được đối với thế giới nói chung.

Như vậy, với việc Mỹ sản xuất nhiều hơn và nhập khẩu giảm đi, động lực của nhu cầu dầu mỏ thế giới đang nhanh chóng chuyển sang Trung Quốc, chiếm hơn 50% tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ thế giới kể từ năm 2008. Bộ Năng lượng Mỹ dự kiến Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ trở thành nước nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới vào cuối năm 2013.

Sự kỳ vọng vào hoạt động xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Mỹ trong thập niên tới, cùng với nguồn gia tăng từ hoạt động khai thác khí đá phiến trên toàn cầu, có thể giảm giá khí đốt tự nhiên và đẩy nhanh tốc độ thay thế các sản phẩm dầu mỏ bằng khí đốt trong ngành hoá dầu và các lĩnh vực khác, nhất là ở châu Á.

Ông Michael Webber, Phó Giám đốc Viện Năng lượng của Đại học Texas ở Austin, cho rằng thế giới hiện có đủ khí đốt tự nhiên với giá đủ rẻ và công nghệ đủ phát triển để lần đầu tiên có thể thảo luận nghiêm túc về việc chuyển sang sử dụng khí đốt tự nhiên như một loại nhiên liệu cho các phương tiện giao thông. Trong khi dầu vẫn có ảnh hưởng thống trị thị trường nhiên liệu thế giới thì nhiên liệu sinh học, điện và công nghệ mới cho phép tiết kiểm nhien liệu đang trở thành những lựa chọn thay thế đáng chú ý, nên kỷ nguyên dầu mỏ có dấu hiệu bắt đầu trên đường đi đến hồi kết.

Nguồn Tổ Quốc


Sự kiện