Thứ Tư | 03/10/2012 14:43

Kỳ họp Quốc hội thứ tư: Công khai báo cáo phòng chống tham nhũng

Báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về phòng chống tham nhũng sẽ trình bày tại phiên khai mạc và truyền hình trực tiếp.
Đây là nội dung nằm trong dự kiến chương trình của kỳ họp Quốc hội thứ tư, vừa được gửi xin ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội.

Theo đó, tại cuối phiên khai mạc sáng 22/10/2012, sau khi Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2012, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện sẽ trình bày báo cáo thẩm tra về công tác này.

Các nội dung khác tại phiên khai mạc vẫn theo thông lệ, sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng trình bày báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế xã hội. Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri. Và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế trình bày báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội.

Tại các kỳ họp cuối năm của Quốc hội, báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng của năm đó đều được xem xét. Tuy nhiên, ở các kỳ họp trước (kể cả ở Quốc hội khóa trước) bản báo cáo này thường được gửi cho đại biểu tự nghiên cứu, sau đó kết hợp thảo luận cùng các nội dung khác.

Cũng đã có những ý kiến đề nghị bố trí các phiên thảo luận riêng về công tác phòng chống tham nhũng, khi nhận định được nhắc đi nhắc lại ở các bản báo cáo từ năm này sang năm khác là “chưa thực hiện được mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tham nhũng”.

Tuy nhiên, lý do thường được đưa ra khi tiếp thu để “chốt” lại chương trình chính thức của các kỳ họp là nếu các đại biểu quan tâm thì hoàn toàn có thể nêu ý kiến tại các phiên thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội và các báo cáo về công tác tư pháp. Vì thế, không nhất thiết phải bố trí thời gian riêng cho nội dung phòng chống tham nhũng.

Đây là lần đầu tiên báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng được bố trí trình bày ở phiên họp toàn thể và được truyền hình trực tiếp, kể từ đầu Quốc hội khóa 12, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng nhấn mạnh sự đổi mới trong thiết kế chương trình kỳ họp.

Theo đại biểu Hùng, đây là việc làm rất cần thiết. Vì Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XI đã kết luận nhiều chủ trương mới về công tác phòng chống tham nhũng. Trong đó đã thống nhất thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị và lập lại Ban Nội chính Trung ương.

Việc báo cáo tại phiên họp toàn thể về công tác phòng chống tham nhũng cũng sẽ tạo điều kiện để đại biểu Quốc hội tiếp cận nội dung này đầy đủ hơn. Từ đó góp phần nâng cao vai trò của đại biểu trong công tác phòng chống tham nhũng, ông Hùng nói.

Một điều rất quan trọng nữa cũng được một số vị đại biểu nhấn mạnh là sự đổi mới này sẽ góp phần đáp ứng nguyện vọng của đông đảo cử tri. Vì, gần như không có cuộc tiếp xúc nào mà cử tri không tỏ thái độ bức xúc vì tham nhũng chậm được đẩy lùi.

Không nhất thiết phải bố trí vào phiên khai mạc, song các kỳ họp Quốc hội và cả kỳ họp hội đồng nhân dân cuối năm nên báo cáo công  khai trước cử tri về phòng chống tham nhũng, ông Hùng đề nghị.

Dành thời gian thảo luận sâu về công tác phòng chống tham nhũng như ở nghị trình kỳ họp này, theo mạch thời sự, còn có liên quan chặt chẽ với việc sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng, được nhấn mạnh là nội dung quan trọng trong chương trình lập pháp của kỳ họp.

Cả chiều 13/11 và gần trọn phiên sáng hôm sau được dành để thảo luận ở hội trường về dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) trong sự “giám sát” của cử tri qua phát thanh, truyền hình trực tiếp có lẽ cũng cho thấy tầm mức quan trọng của việc tạo hành lang pháp lý hoàn thiện hơn cho công việc đang là trung tâm của sự sốt ruột của cả đại biểu và cử tri này. Bởi hầu hết các dự án luật khác thường chỉ được mổ tại hội trường một buổi trong một kỳ họp.

Xem xét dự án luật dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) tại phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, một số ý kiến cũng đề nghị cần bố trí thời gian thỏa đáng để thảo luận thật kỹ nội dung này, không vì “sức ép” thời gian mà bố trí theo cách thông thường.

Nhất là, dự thảo luật vẫn còn khá nhiều quy định quan trọng chưa đạt được sự thống nhất, trong đó có mô hình ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng.

Tại đây, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng lưu ý, dự án luật cần quan tâm đến các cơ quan trực tiếp đấu tranh phòng chống tham nhũng, vì hiện nay kiểm toán không thấy tham nhũng, thanh tra cũng ít phát hiện và điều tra cũng chả tìm được mấy. Chủ tịch cũng nhấn mạnh rằng kỳ họp tới Quốc hội sẽ thảo luận rất sâu về nội dung phòng chống tham nhũng và các bộ trưởng sẽ đăng đàn gần như trả lời chất vấn khi thảo luận để từ đó sửa luật cho tốt hơn.

Điều này dường như đã được thể hiện qua cách bố trí chương trình của kỳ họp Quốc hội thứ tư, với điểm nhấn của sự đổi mới ngay từ phiên khai mạc.

Tuy nhiên, như không ít đại biểu đã nhấn mạnh tại các phiên thảo luận, chất vấn, rằng nếu chưa làm rõ vì sao năng lực không thiếu, tổ chức bộ máy không thiếu, quyết tâm không thiếu nhưng vẫn không phát hiện được tham nhũng thì rất khó để có được bước tiến mới trong việc đẩy lùi tham nhũng đang được đánh giá là “ngày càng tinh vi, phức tạp”.

Nguồn VnEconomy


Sự kiện