KIS Việt Nam: VN-Index nửa cuối năm sẽ giống như nửa đầu năm
Ngày 25/08/2015, công ty chứng khoán KIS Việt Nam (KIS) đã tổ chức hội thảo nhận định về triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam các tháng cuối năm với những đánh giá khá thận trọng.
Theo ông Yun Hang Jin, Giám Đốc khối thị trường mới nổi tại Công ty Korea Investment & Securities (KIS Hàn Quốc) cho rằng thị trường sẽ nhận được sự hỗ trợ từ tăng tưởng kinh tế khả quan hơn của Việt Nam. Mức tăng trưởng trong quý 2 có thể đạt trên dưới 6,5%. Bức tranh lợi nhuận của các doanh nghiệp khá sáng sủa nhờ giá nguyên vật liệu giảm, lãi suất cho vay giảm.
Theo KIS, việc nới room cho khối ngoại sẽ thu hút thêm dòng tiền mới, đặc biệt là các mã hiện đã cạn room.
Ngoài ra, dù thị trường đã tăng điểm khá tốt trong nửa đầu năm nhưng trong mối quan hệ so sánh với các thị trường lân cận thì thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn ở mức hấp dẫn khi chỉ số PE forward trung bình của thị trường đạt mức 14,7 vào cuối tháng 7. Điều này có thể kích thích nhu cầu của nhà đầu tư bên ngoài.
Tuy vậy, ông Yun cũng cảnh báo thị trường không nên lạc quan quá sớm với tác động của các hiệp định thương mại và kinh tế mà Việt Nam đang tham gia như TPP, AEC vì chúng sẽ không ngay lập tức phản ánh lên thị trường mà cần thêm thời gian.
Ngoài ra, các chuyên gia của KIS cũng cho rằng xuất khẩu đang tăng trưởng chẩm lại sẽ khiến thâm hụt thương mại đáng lo ngại trong quý nửa cuối năm. Áp lực tăng tỉ giá cũng sẽ gây những ảnh hưởng nhất định đến thị trường.
Môi trường vĩ mô bên ngoài cũng sẽ tác động đến Việt Nam, đặc biệt là do khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ nâng lãi suất khiến dòng vốn có nguy cơ tháo chạy khỏi các thị trường mới nổi. Mặc dù vậy, Việt Nam với nền tảng tài chính quốc gia vững chắc sẽ hạn chế được tâm lí tháo chạy của khối ngoại.
Về diễn biến của thị trường chứng khoán trong nửa cuối năm, KIS cho rằng VN-Index sẽ khó có đột phá lớn, sẽ đạt đỉnh và đáy như trong nửa đầu năm. Các ngành nghề mang tính trụ cột sẽ là điểm đến của dòng tiền như xây dựng với các mã CTD, HBC, ngành thép với HSG , HPG; ngành thủy sản với VHC và ngành dệt may với TCM và TNG.