KIS Việt Nam: Chứng khoán là kênh đầu tư hiệu quả trong năm 2018
Những nhà đầu tư chứng khoán đã có một năm 2017 rất thành công khi chỉ số VN-Index tăng mạnh 48% so với năm trước- mức hoàn toàn vượt trội so với khá nhiều kênh đầu tư khác như vàng, tiền gửi tiết kiệm.
Theo ông Bạch An Viễn, Trưởng phòng phân tích vĩ mô và tài chính của Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, chứng khoán sẽ tiếp tục là kênh đầu tư hiệu quả nhất trong năm nay. Đó là nhờ dòng tiền dồi dào, ủng hộ từ nền tảng kinh tế vĩ mô và tăng trưởng hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, đi cùng với kế hoạch tái cơ cấu của Nhà nước. “Các kênh đầu tư khác được dự báo sẽ không có nhiều biến động trong năm 2018 do tính chất đặc thù ổn định như lãi suất tiết kiệm, có những ngành chịu sự quản lý của nhà nước như vàng, ngoại tệ trong khi bất động sản thì cần nguồn vốn đầu tư lớn”, ông Viễn nói.
Theo phân tích của KIS Việt Nam, chỉ số VN-Index trong thời gian tới sẽ vận động trong biên độ 1.000 -1.400. Nhóm ngành được hưởng lợi theo chu kì tăng trưởng của nền kinh tế là bất động sản-xây dựng, tài chính-ngân hàng, thép, cũng như ngành nghề bám theo nhu cầu tiêu dùng của người dân như bán lẻ, hàng không, ô tô, dịch vụ y tế.
Nhưng thị trường cũng gặp một số rủi ro nhất định. Đó là dư nợ margin tăng mạnh trong thời gian qua có thể khiến cơ quan chức năng có hành động kiểm soát lại dòng tiền đầu cơ trong ngắn hạn. Rủi ro nợ xấu của các công ty chứng khoán có thể gia tăng buộc họ kiểm soát chặt chẽ hơn dư nợ tín dụng. Thị trường đạt mức đỉnh cũng gia tăng các hoạt động chốt lời.
Trong năm 2017, dòng tiền nhà đầu tư nước ngoài đổ vào thị trường chứng khoán rất lớn. Chưa tính đến các thương vụ M&A khủng như Sabeco thì dòng vốn ròng mà nhà đầu tư ngoại rót vào Việt Nam lên đến 26.000 tỉ đồng – mức cao kỷ lục. Thanh khoản bình quân phiên tăng ấn tượng 72,9% lên đến 3,4 nghìn tỉ đồng. Thậm chí có những phiên thanh khoản lên đến xấp xỉ 15.000 tỉ đồng chứng tỏ dòng tiền đổ vào thị trường khá dồi dào.
Tính đến cuối năm 2017, mức vốn hóa thị trường so với GDP cải thiện mạnh từ 36% lên 53%. Dù vậy, mức này vẫn còn thấp hơn so với Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc, Philippines... tạo ra dư địa tăng trưởng khả quan trong các năm tới.