Ảnh: Bizlive.

 
Triệu Vân Thứ Ba | 07/01/2020 12:51

Kinh tế Việt Nam trụ vững trước những cơn gió ngược, có thể tăng trưởng 6,5% trong 2-3 năm tới

Nền kinh tế Việt Nam đã thể hiện rõ sự kiên cường khi chỉ số PMI sản xuất suy giảm và niềm tin kinh doanh trên toàn cầu tụt dốc.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam có thể nằm trong top 3 nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở Đông Á trong năm 2019.

So với mức tăng trưởng 3% của GDP toàn cầu và 4,3% của khu vực Đông Á trong năm 2018, dự báo tăng trưởng của cả năm 2019 chỉ ở mức 2,6% và 4%. Dù vậy, nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục ghi nhận tăng trưởng 6,8% - thấp hơn so với năm 2018 nhưng bằng với năm 2017. Động lực mang lại đà tăng trưởng ấn tượng xuất phát từ sức tiêu thụ nội địa và hoạt động sản xuất theo định hướng xuất khẩu.

Chỉ số lạm phát CPI tháng 10/2019 ở mức 2,2%, mặc dù giá cả của lĩnh vực y tế và giáo dục tăng mạnh. Dịch tả heo châu Phi bùng phát, nhưng dường như không tác động quá nhiều đến giá thực phẩm. Ngoài ra, giá nhiên liệu thấp hơn còn giúp kìm hãm áp lực lạm phát. Với mức lạm phát tương đối thấp và tăng trưởng tiền lương danh nghĩa ấn tượng (13,1%) khi người lao động dần rút khỏi lĩnh vực nông nghiệp để chuyển sang các công việc sản xuất và dịch vụ có hiệu quả cao hơn, tỷ lệ nghèo đói cũng nhờ đó mà suy giảm. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ người sống trong cảnh cực kỳ nghèo đói (ít hơn 1,9 USD/ngày) thấp hơn 2%.

Chính sách tiền tệ nghiêng về hướng thận trọng, trong đó tăng trưởng tín dụng ở mức 12,5% - thấp hơn mục tiêu 14% của NHNN trong năm 2019.

Xét về khía cạnh tài khóa, tình hình đã được cải thiện nhờ kết hợp giữa giảm chi tiêu vốn Chính phủ và bán tài sản. Chi tiêu vốn giảm 5,6% trong giai đoạn 2018-2019, phần lớn là nhờ tốc độ giải ngân chậm rãi ở một số bộ và tỉnh.

Xét về nguồn thu, chính phủ tiến hành bán các tài sản như quyền sử dụng đất và các ngôi nhà thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, đồng thời thoái vốn ra khỏi các doanh nghiệp Nhà nước. Tuy vậy, đây chỉ là những sự kiện chỉ diễn ra 1 lần và cần phải nỗ lực hơn để cải thiện khả năng thu thuế.

Nhờ những bước cải thiện về tài khóa, nợ công đã giảm xuống 56% GDP, thấp hơn mức trần 65% mà Quốc hội ấn định, nhưng vẫn cao hơn mức trần 55% mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khuyến nghị để quản lý nợ dài hạn một cách thận trọng.

Về thương mại, kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng 8,4% trong 9 tháng đầu năm 2019, thấp hơn mức 15,8% của cùng kỳ năm 2018. Đây vẫn là thành quả đáng khen ngợi trong bối cảnh đối mặt với nhiều “cơn gió ngược” và bất ổn trong nền kinh tế toàn cầu. Xuất khẩu đến Mỹ tăng gần 28% trong 9 tháng đầu năm 2019, cao hơn nhiều so với mức 18% của năm 2018. Điều này cho thấy trong ngắn hạn, Việt Nam vẫn là quốc gia hưởng lợi từ cuộc thương chiến Mỹ-Trung.

Dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam cũng tiếp tục duy trì ở mức cao đã ghi nhận trong năm 2017 và 2018, từ đó cung cấp thêm bằng chứng cho thấy kinh tế Việt Nam đứng vững trong bối cảnh bất ổn dâng cao. Kết quả là dự trữ ngoại hối đã tăng ở mức tương đương 0,4% kim ngạch nhập khẩu từ cuối năm 2018 đến cuối năm 2019.

Theo báo cáo gần đây từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Việt Nam đã tăng 10 bậc trong bảng xếp hạng về khả năng cạnh tranh trên toàn cầu Global Competitiveness Index. Về trung hạn, Ngân hàng Thế giới dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng quanh mức 6,5% trong 2-3 năm tới. Thế nhưng, mối liên kết yếu ớt giữa các công ty nước ngoài và các công ty trong nước theo định hướng xuất khẩu vẫn là vấn đề đáng lo ngại. Sự thiếu vắng nguồn tài trợ dài hạn và thiếu hụt lao động lành nghề là hai vấn đề thể hiện rất rõ trong khu vực tư nhân Việt Nam.

Cùng lúc đó, sự chậm lại của quá trình thoái vốn và cải cách doanh nghiệp Nhà nước – vốn đã bắt đầu trong năm 2016 – cũng là rào cản lớn. Chắc chắn là nợ công giảm xuống sẽ giải phóng áp lực đối với quá trình thoái vốn tài sản Nhà nước. Thế nhưng, cuộc cải cách cấu trúc phải được tiếp tục nếu khu vực tư nhân Việt Nam không còn sôi động trong vài năm tới.

Kinh tế Việt Nam đã đứng vững trước những cơn gió ngược và bất ổn. Hy vọng là Việt Nam sẽ tận dụng tốt sự kiên cường của nền kinh tế và tiếp tục cải cách cấu trúc để nâng tầm đất nước lên những đỉnh cao mới.

Bài viết thể hiện quan điểm của bà Suiwah Leung, Giáo sư danh dự về kinh tế học tại Trường Chính sách Công Crawford, Đại học Quốc Gia Úc.

Nguồn East Asia Forum