Kinh tế Việt Nam khó đạt mục tiêu 2014
Quý III và IV/2013, tốc độ tăng trưởng GDP lần lượt đạt 5,54% và 6,04%, cao hơn mức tăng của năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013. "Tăng thấp hơn kỳ vọng, song có thể nói tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2013 bước đầu có những dấu hiệu phục hồi", báo cáo của Ủy ban Kinh tế nêu. Cơ quan này cho rằng kết quả trên là do đà suy giảm cầu nội địa đang dần bị chặn đứng. Tốc độ tăng của tổng cầu trong nước đã được cải thiện từ mức 4,25% năm 2012 lên 5,39% năm 2013.
Sang quý I/2014, tăng trưởng kinh tế tiếp tục có dấu hiệu tích cực khi đạt 4,96%, cao hơn cùng kỳ hai năm trước. Nhưng dù cải thiện, nhóm chuyên gia của Ủy ban Kinh tế nhận định Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. "Tăng trưởng kinh tế nhiều khả năng sẽ khó đạt mục tiêu năm 2014", cơ quan này bày tỏ.
|
Trong bối cảnh tổng cầu tăng chậm, giá nhiều mặt hàng trên thị trường quốc tế dự báo giảm mạnh, lạm phát năm 2014 được kỳ vọng kiểm soát dưới 7% và nhích lên 7,08% trong năm 2015. Giá mặt hàng và dịch vụ thiết yếu tiếp tục được điều chỉnh, song ít biến động hơn các năm trước. Thặng dư cán cân thương mại, chủ yếu nhờ xuất siêu từ khu vực vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng tạo cơ hội cho tỷ giá tiếp tục ổn định, với biến động giảm giá VND không vượt quá 2% vào năm nay.
Song, điều đáng mừng, theo các chuyên gia của Ủy ban Kinh tế là tỷ lệ thất nghiệp ở đô thị có xu hướng giảm trong năm nay do tăng trưởng kinh tế hồi phục và sự ưu tiên hơn cho các lĩnh vực nông nghiệp và sử dụng nhiều lao động. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động ở khu vực đô thị dự báo sẽ giảm còn 3,34% vào năm 2014 và xuống 3,06% trong năm 2015, sau khi tăng lên mức 3,58% vào năm ngoái.
Tuy nhiên, báo cáo cũng bày tỏ mối lo ngại về chất lượng các khoản vay trong hệ thống ngân hàng Việt Nam, khi nợ xấu vẫn tăng trong nửa cuối năm 2013. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu đã tăng liên tục từ mức 4,46% vào tháng 6 lên 4,62% trong tháng 9 và 4,73% của tháng 10. Báo cáo cũng lưu ý việc sự trì hoãn thực hiện Thông tư 02 đang khiến thị trường chưa có cái nhìn chính xác về quy mô các khoản nợ xấu. "Điều này đòi hỏi phải có nỗ lực xử lý nợ xấu một cách quyết liệt và minh bạch hơn trong nửa đầu năm 2014, nhất là trước khi Thông tư 02 đi vào thực thi", nhóm nghiên cứu cho biết.
Liên quan đến ngân sách, Ủy ban Kinh tế cho rằng sẽ còn nhiều điều đáng bàn khi năm qua phần thu chỉ đạt kế hoạch vào phút chót, thâm hụt cũng ở mức cho phép sau khi điều chỉnh chỉ tiêu. Việc giải trình thu ngân sách "rất chậm" trong 11 tháng đầu năm và "rất nhanh" trong tháng 12 dường như chưa hiệu quả, phần nào gây ra quan ngại về tính cần thiết của việc nâng trần bội chi ngân sách lên 5,3% GDP, cơ quan này nhận định.
Bên cạnh đó, việc điều hành công cụ tiền tệ và tài khóa đang rất cẩn trọng khi lạm phát Việt Nam vốn nhạy với các biện pháp nới lỏng, mà Chính phủ "có vẻ lại đang theo xu hướng ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thay vì tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô". Nhóm nghiên cứu đánh giá, để thâm hụt ngân sách diễn biến theo đúng mục tiêu và việc nới lỏng chính sách tiền tệ có thể hỗ trợ kinh tế phục hồi nhanh mà rủi ro lạm phát cũng được giảm thiểu, quá trình tái cấu trúc phải thực hiện quyết liệt, nhanh chóng để tăng năng lực sản xuất của nền kinh tế, giảm áp lực lên nhập khẩu và lạm phát.
"Kịch bản này đòi hỏi những thay đổi căn bản trong phương thức điều hành, tái cấu trúc nền kinh tế - vốn là một quá trình phức tạp, đòi hỏi vượt qua rào cản của các nhóm lợi ích cũng như có sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành", Ủy ban Kinh tế cho hay.
Trên cơ sở phân tích tình hình kinh tế, nhóm chuyên gia của Ủy ban đã đưa ra một số khuyến nghị để giải quyết những bất cập nội tại hiện nay, trong đó nhấn mạnh đến đổi mới và hoàn thiện thể chế kinh tế, đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc.
"Kinh tế vĩ mô cơ bản đã ổn định. Tỷ lệ lạm phát duy trì ở mức thấp và kỳ vọng lạm phát đã giảm đáng kể, tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý, cán cân thương mại cân bằng hơn, nợ xấu trong tầm kiểm soát. Vì thế, năm 2014 là thời điểm thích hợp để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu, từ đó nâng cao hiệu quả nền kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng và giảm thiểu tác động tiêu cực của các nhóm lợi ích, tạo đà cho tăng trưởng nhanh và bền vững trong trung và dài hạn", Ủy ban Kinh tế khuyến nghị.
Diễn đàn kinh tế mùa Xuân năm 2014 được Ủy ban Kinh tế Quốc hội tổ chức vào đầu tuần tới (ngày 28, 29/4) tại TP Hạ Long, Quảng Ninh.
Nguồn VnExpress