Kinh tế Việt Nam đối mặt với 2 rủi ro tiềm ẩn
Theo đánh giá của Ngân hàng HSBC, lĩnh vực sản suất của Việt Nam đang đứng ngoài xu thế chung của toàn cầu khi chỉ số này của Việt Nam tiếp tục tăng mạnh ngay cả khi nhu cầu toàn cầu đang yếu đi.
Cụ thể, chỉ số PMI ngành sản xuất tháng 5 của Việt Nam đã đạt mức tăng mạnh nhất trong lịch sử.
Cùng với đó, sản lượng và đơn hàng mới đã tăng vọt một cách ấn tượng trong bối cảnh đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng chậm lại và các nước trong khu vực châu Á đều có chỉ số PMI sụt giảm.
Trong báo cáo nghiên cứu về triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong tháng 6/2015, HSBC cho rằng, triển vọng hút vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong giai đoạn tới đây sẽ có nhiều dấu hiệu chuyển biến. Nguồn vốn giải ngân FDI trong tháng 5 đã tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2014.
Tuy nhiên, HSBC cũng cho rằng, trong khi cạnh tranh về lao động, cắt giảm thuế và cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng đang là những yếu tố thúc đẩy tình hình đầu tư nước ngoài và hoạt động xuất khẩu thì các doanh nghiệp trong nước lại thiếu khả năng tận dụng những năng lực cạnh tranh vốn có của mình.
Thống kê cho thấy, xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI (không kể dầu mỏ) trong tháng 5 đã tăng 18% kể từ đầu năm đến nay.
Trong khi các doanh nghiệp trong nước có hoạt động xuất khẩu tiếp tục suy yếu, giảm 1,7%. Ngành du lịch cũng sụt giảm với số lượng khách nước ngoài giảm 12,6% so với đầu năm.
Theo lý giải của HSBC, chu kỳ hàng hoá toàn cầu suy giảm, vay nợ cao, sự hỗ trợ của Chính phủ nhằm nâng cao năng suất bị hạn chế; đặc biệt là tiền đồng Việt Nam trong giao dịch thương mại đang tăng giá là những nguyên nhân đằng sau kết quả hoạt động không tốt của các doanh nghiệp trong nước.
Trong khi đó, nhu cầu trong nước đang dần cải thiện, tín dụng tăng 4,3% so với tháng 12/2014 và đã tăng tới 17,5% so với đầu năm 2015.
Điều này đã kích thích nhu cầu nhập khẩu trong nước, từ nhập xe hơi đến máy móc. Theo Tổng cục Hải Quan, mức thâm hụt từ đầu năm 2015 đến giữa tháng 5 đã lên đến 3,7 tỷ USD.
Những con số trên tuy chưa thực sự đáng lo ngại nhưng nó đã gây thêm áp lực mất giá của tiền đồng, đặc biệt là khi nguồn thu từ khách du lịch vào Việt Nam giảm và danh mục đầu tư suy yếu nếu như tình hình không thay đổi, HSBC cho biết.
Rủi ro tiềm ẩn?
Nghiên cứu của HSBC cho rằng, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với những rủi ro tiềm ẩn.
Thứ nhất, thông tin từ HSBC cho thấy, nguồn dự trữ của Việt Nam mặc dù tăng cao nhưng cũng vẫn còn thấp hơn so với tiêu chuẩn quốc tế đòi hỏi ít nhất 3 tháng để được xem là nguồn dự trữ đủ.
Nếu như Chính phủ sử dụng nguồn dự trữ ngoại tệ để bù đắp cho những thiếu hụt vốn tài trợ, thanh khoản có thể trở thành một vấn đề đặc biệt trong thời điểm mà Ngân hàng nhà nước cần sử dụng nguồn dự trữ của mình để ổn định tiền đồng.
Nguy cơ thứ hai sẽ là vấn đề thâm hụt thương mại của Việt Nam. Nếu như mức thâm hụt này nhiều hơn 10 tỷ USD, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải sử dụng một khoản đáng kể trong nguồn dự trữ của mình để hỗ trợ cho tiền đồng.
Vừa qua, Tổng cục Thống kê đã ước tính mức thâm hụt thương mại ít hơn 3 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm 2015. Trong khi đó, số liệu của Tổng cục Hải quan lại cho rằng, mức thâm hụt đã lên tới 3,5 tỷ USD.
HSBC kỳ vọng, trong cả năm 2015, mức thâm hụt thương mại của Việt Nam sẽ ở mức 3,5 tỷ USD, khi đó sẽ cho phép tài khoản vãng lai có một mức thặng dư nho nhỏ.
Nguồn Diễn đàn đầu tư