Kinh tế Việt Nam đang tụt lại phía sau
Trên đây là nhận định của bà Victory Kwakwa - Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tại Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam vừa diễn ra ở Hà Nội.
Theo bà Victory Kwakwa, mức tăng năng suất lao động của Việt Nam chưa đến 4% và đang có xu thế giảm, trong khi đó Trung Quốc là 7%, Hàn Quốc trên 5%. Tốc độ tăng năng suất lao động hiện nay sẽ không đảm bảo tăng trưởng nhanh và bền vững, đủ mức để từ đó Việt Nam có thể đi theo quỹ đạo của Đài Loan hay Hàn Quốc.
Từ đó, bà Victory Kwakwa khuyến nghị Việt Nam cần tách bạch rạch ròi giữa hoạt động quản lý và hoạt động thương mại. Đồng thời nâng cao trách nhiệm giải trình của Chính phủ, cải cách hành chính công cũng như cần phải sử dụng vốn ODA một cách hiệu quả nhằm thu hút lĩnh vực tư nhân.
Nhận định về nền kinh tế Việt Nam, ông Layton Pike - Phó Đại sứ quán Úc tại Việt Nam cho rằng nền kinh tế Việt Nam đang hoạt động dưới tiềm năng với tăng trưởng năng suất ngày càng giảm. Năng lực cạnh tranh quốc gia chậm được cải thiện trong khi nguồn lực phân bổ không hiệu quả, nhất là trong khu vực công. Ngoài ra, khu vực tư nhân bị đè nặng với những gánh nặng quy định, sự khó tiên liệu và không nhất quán trong hệ thống pháp luật.
Trong khi đó, bà Pratibha Mehta - Điều phối viên Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam phân tích: “Giống như các nước có thu nhập trung bình mới nổi khác, Việt Nam có sự chuyển tiếp những khó khăn và những ưu tiên trái chiều. Những thách thức của Việt Nam có thể sinh ra một vòng luẩn quẩn đói nghèo. Những bước tiến của Việt Nam trước kia đã có dấu hiệu chững lại trong những năm gần đây và tụt lại phía sau so với các nước trong khu vực Đông Á, Thái Bình Dương. “Để đối phó với những thách thức của Việt Nam đang ngày càng gia tăng, việc tiến hành cuộc đổi mới lần thứ hai là rất cần thiết” - bà Pratibha Mehta gợi ý.
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định trong năm năm tới (2016-2020), bên cạnh thời cơ, thuận lợi, Việt Nam cũng phải nỗ lực để vượt qua những khó khăn, thách thức không nhỏ.
Thủ tướng chỉ rõ mục tiêu phát triển trong năm năm tới phải lấy con người làm mục tiêu, là trung tâm của sự phát triển kinh tế đất nước. Tăng trưởng kinh tế nhưng phải phát triển văn hóa, đảm bảo tiến bộ công bằng xã hội, đảm bảo an sinh xã hội và phúc lợi xã hội cũng như cải thiện đời sống người dân.
“Tất cả quyền lực của Nhà nước thuộc về nhân dân” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ rõ các bước đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế Việt Nam thời gian tới. Trong đó có việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, đặc biệt là thể chế kinh tế thị trường và thể chế xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Theo đó sẽ xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, đa dạng hóa hình thức sở hữu nhiều thành phần kinh tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ, hiệu quả theo quy luật kinh tế thị trường.
Nguồn Pháp luật TPHCM