Thứ Bảy | 27/09/2014 15:25

"Kinh tế Việt Nam đã chạm đáy cuối năm 2013"

Cựu Bộ trưởng Trương Đình Tuyển cho rằng kinh tế Việt Nam đang thoát khỏi khủng hoảng theo mô hình parabol, xuống từ từ tới đáy rồi lên từ từ.
Tại Diễn đàn Kinh tế mùa thu 2014, Cựu Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển đã trình bày tham luận tổng quan kinh tế 2014 và triển vọng 2015.

Ông Trương Đình Tuyển cho rằng bất ổn kinh tế vĩ mô Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với những nguyên nhân khủng hoảng kinh tế thế giới mặc dù Việt Nam chưa gọi đó là khủng hoảng. Đó là nền kinh tế tiền tệ thoát ly nền kinh tế thực khi trong nhiều năm tại Việt Nam giá trị nhà đất vượt rất xa giá trị thực, giá trị cổ phiếu vượt xa giá trị thực doanh nghiệp.

Tiếp nữa là tình trạng bong bóng bất động sản khi đổ vỡ của thị trường bất động sản làm nợ xấu tăng lên. Tỷ lệ giữa tiết kiệm và đầu tư tại Việt Nam cũng đang giảm xuống theo hướng tiết kiệm giảm, đầu tư tăng. Trong giai đoạn 2001 - 2006, tỷ lệ tiết kiệm - đầu tư của Việt Nam là 32% - 39%, tới giai đoạn 2007 - 2014 tỷ lệ tiết kiệm chỉ còn 29% trong khi đầu tư tăng lên 44,4%.

Theo ông Trương Đình Tuyển, kinh tế Việt Nam đang thoát khỏi khủng hoảng theo mô hình parabol, xuống từ từ tới đáy rồi ngóc đầu lên từ từ. Nhìn vào tốc độ tăng trưởng thì ông cho rằng kinh tế Việt Nam đã xuống đáy từ cuối năm 2013 và đang "vật vã" để đi lên.

Về VAMC, được coi là "sáng kiến" trong vấn đề xử lý nợ xấu, nhưng sáng kiến này rất khó để xử lý nợ xấu, ông Trương Đình Tuyển nhận xét.

Về mục tiêu tăng trưởng 5,8% năm nay, khi kết quả 9 tháng tăng trưởng GDP 5,62% thì mục tiêu đề ra là có thể đạt được. Tuy nhiên, ông Tuyển lưu ý, quan trọng không phải là tốc độ tăng trưởng bao nhiêu phần trăm, vấn đề quan trọng là cách thức tạo ra tăng trưởng.

Vị cựu Bộ trưởng Bộ Thương mại cũng dự báo lạm phát năm nay không quá 4,5% dù tháng 9 tăng tới 0,4% chủ yếu do lĩnh vực giáo dục. Năm 2015, dự báo kinh tế Việt Nam có thể đạt được mức tăng trưởng 6% đến 6,2% nhờ nhân tố lớn là việc quyết liệt cải cách thủ tục hành chính và 6 hiệp định thương mại tự do (FTA) đang đàm phán, dự kiến sớm thông qua.

Với tư cách là cố vấn trong các đoàn đàm phán FTA, ông Trương Đình Tuyển cho biết, 6 tháng đầu năm 2015 thì hầu hết các FTA đang đàm phán sẽ được ký kết, tạo cơ hội cho các nhà đầu tư tham gia đón đầu, đón một làn sóng đầu tư đón đầu giống như thời điểm chuẩn bị gia nhập WTO năm 2006 - 2007. Triển vọng kết thúc đàm phán FTA với EU trước TPP.

Theo quan điểm của ông Trương Đình Tuyển, tiến trình tái cơ cấu còn ì ạch bởi các chương trình không được mô tả cụ thể, không có chuẩn đo nên dẫn tới việc không thể quản lý được. Nếu chương trình tái cơ cấu tiếp tục không được mô tả cụ thể thì sang năm, sang năm nữa sẽ vẫn ì ạch.

Tái cơ cấu DNNN không chỉ là cổ phần hóa, quan trọng nhất là đổi mới quản trị của nó, đặt doanh nghiệp trong môi trường cạnh tranh, áp đặt thị trường đối với các doanh nghiệp. Nguyên nhân khác nữa là việc không tạo ra tiền đề để ép buộc tất cả các ngành, doanh nghiệp phải tái cơ cấu.

Quyền lực chính của kinh tế thị trường theo ông Trương Đình Tuyển phải là quy luật cạnh tranh, với lợi nhuận là động lực, chỗ nào có lợi nhuận thì đưa nguồn vốn đến đấy như vậy tạo ra trục bình quân cân đối trong nền kinh tế.

Tiền đề chúng ta không đưa ra để bảo đảm tái cơ cấu kinh tế là xây dựng thể chế kinh tế hiện đại dựa trên ba trụ cột. Trụ cột thứ nhất là Nhà nước và thị trường, thị trường đảm bảo phân phối nguồn lực hợp lý, đảm bảo một cách hiệu quả với trục xoay là giá trị trường. Phải bảo đảm phân bổ nguồn lực theo thị trường, nhưng thị trường cũng có thể thất bại. Cho nên Nhà nước phải có vai trò trong trong thể chế hiện đại này, đó là thay vì can thiệp hành chính thì kiến tạo phát triển, ổn định kinh tế vi mô, sử dụng chính sách đầu tư, điều tiết để đảm bảo tăng trưởng bao chùm... nhưng Nhà nước cũng có thể thất bại.

Ông Trương Đình Tuyển cho rằng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động nhanh như hiện nay rất khó tìm được miền danh giới giữa Nhà nước và thị trường. Như vậy phải có xã hội dân sự, vai trò của xã hội dân sự. Bởi xã hội dân sự thông qua va chạm thực tiễn, kinh nghiệm thực chứng để thấy chính sách thế nào là tốt, thế nào là xấu.

Một vấn đề khác nữa ông Tuyển lưu ý là việc mô hình tăng trưởng của chúng ta hiện này kém hiệu quả, năng suất lao động cực thấp, suất trang bị công nghệ cho lao động Việt Nam hiện nay rất thấp, 75% thiết bị công nghệ Việt Nam là thiết bị công nghệ cũ từ những năm 60 - 70 thế kỷ trước...

Nguồn Theo DVO


Sự kiện