Kinh tế Việt Nam còn nhiều "lạ lùng" trong tăng trưởng
Tại Hội nghị đầu tư "Đột phá tư duy kinh doanh" diễn ra sáng ngày 21.11, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên đã có một số chia sẻ liên quan đến việc tăng trưởng GDP gây nhiều tranh cãi trong thời gian qua.
Còn nhiều khúc mắc
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, hiện nay có những ý kiến khác nhau về mức tăng trưởng kinh tế 3 quý năm 2017, giữa số lượng và chất lượng, tại sao lại có bất thường như vậy.
Đây là vấn đề cần giải quyết trong thời điểm này. Câu chuyện về lòng tin không chỉ liên quan số liệu mà còn là cách nhìn về triển vọng kinh tế Việt Nam", ông Thiên nhấn mạnh.
Vị chuyên gia cho rằng cách tiếp cận về tăng trưởng dường như đang bị "lệch", nói nhiều đến chất lượng nhưng vẫn nghiêng về số lượng. "Ngay cả các chỉ tiêu đánh giá chất lượng tăng trưởng cũng thiếu rất nhiều thì giải pháp làm sao chất lượng được", ông Thiên nêu vấn đề.
Dẫn chứng số liệu GDP các quý nhiều năm qua, ông Thiên cho biết điều 'lạ lùng' của tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam là "đầu năm thấp, cuối năm cao và cơ bản hoàn thành kế hoạch". Tuy nhiên, nếu xét về xu hướng tăng trưởng dài hạn, cứ 10 năm tốc độ tăng trưởng bình quân lại giảm gần 1%.
Tăng trưởng GDP qua các quý năm 2017 của Việt Nam |
Riêng năm 2017, có nhiều nghi vấn xung quanh việc GDP quý I chỉ tăng 5,15%, đến quý III có sự đột phá lên 7,46% để trung bình 3 quý là 6,4%. Bước nhảy vọt từ quý I lên quý III chưa năm nào mạnh như năm nay. Trong khi đó, giải ngân đầu tư công ít, khai thác dầu khí giảm rất mạnh... Tại sao lại như vậy?", ông Thiên đặt câu hỏi.
Theo Viện trưởng Viện kinh tế, về tăng trưởng của năm 2017 cần nhìn nhận ở 2 khía cạnh: số lượng và động thái. Trong đó, động thái gắn với sự dịch chuyển về chất lượng, động cơ tăng trưởng.
"Về số lượng, đầu tư tư nhân tăng mạnh trong năm qua. Một số ngành như nông nghiệp tăng trưởng có tính đột biến. Dịch vụ cũng tăng trưởng tốt, chưa kể đầu tư nước ngoài đóng góp đáng kể, trong đó phải kể đến Samsung và Formosa. Như vậy, nếu xét về số lượng, việc tăng trưởng GDP là hoàn toàn có thể giải thích được", ông Thiên lý giải.
PGS.TS cũng đánh giá cao vai trò của Chính phủ trong việc tháo gỡ vướng mắc và tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh, thể hiện qua số doanh nghiệp thành lập mới cao kỷ lục, tinh thần khởi nghiệp lên cao.
Để tạo ra động lực tăng trưởng, chuyên gia này đề xuất trong 3 năm tới không nên chạy theo GDP từng năm một, cần bổ sung thêm nhiều chỉ tiêu trong đó GDP chỉ là chỉ tiêu định hướng.
"Cần tập trung các giải pháp dài hạn, thay cách làm hoàn toàn chứ không thể cải tiến cách cũ nữa. Phải căn cứ vào các cam kết hội nhập để định hình mục tiêu, căn cứ vào yêu cầu của các mạng công nghiệp 4.0 để đổi mới", ông Thiên nêu ý kiến.
Thiếu tư duy thị trường và giải pháp đột phá
Một vấn đề khác được ông Thiên chỉ ra, đó là chế độ tỷ giá đánh giá cao VNĐ khuyến khích nhập khẩu, khuyến khích lắp ráp, gia công và đầu cơ, không khuyến khích sản xuất nội địa và xuất khẩu.
Dòng vốn lớn đổ vào nền kinh tế làm nhiều người có nhiều tiền trong khi thực chất các hoạt động kinh tế tạo ra giá trị không nhiều.
Việc một số ít người giàu nhanh tạo ra tâm lý muốn giàu xổi, thích đầu cơ, triệt tiêu những nỗ lực tạo ra giá trị thực sự cho xã hội.
Tuy nhiên, thể trạng của khu vực kinh tế trong nước vẫn yếu, hầu hết các doanh nghiệp chưa hồi phục lại được mức trước khủng hoảng.
"Tỷ lệ doanh nghiệp có đóng thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) trên tổng số doanh nghiệp hoạt động giảm mạnh: từ 60-70% năm 2010 giảm xuống còn trên 30% năm 2015-2016.
Tỷ lệ lợi nhuận trước thuế so với tài sản cố định và đầu tư dài hạn của các doanh nghiệp có xu hướng giảm đối với tất cả các thành phần: năm 2010 tỷ lệ này của doanh nghiệp FDI, DNNN và doanh nghiệp ngoài nhà nước tương ứng là 16%, 7% và 5% thì năm 2015 giảm xuống còn 12%, 3% và 4%.
Tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới trong công nghiệp chế biến, chế tạo ít: 10 tháng đầu năm 2017, chỉ tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, trong khi trong lĩnh vực BĐS, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 62,5%.
Trong 4 động cơ tăng trưởng của Việt Nam (kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân, nông nghiệp và FDI), chỉ có khu vực FDI “ăn nên làm ra” nhờ tận dụng được những lợi thế của nền kinh tế Việt Nam, ít bị trói buộc bởi các thể chế, chính sách của Việt Nam và hạn chế được những tác động tiêu cực.
Nếu bỏ khu vực FDI sang một bên và chỉ phân tích ba khu vực còn lại thì bức tranh kinh tế Việt Nam sẽ ít tươi sáng hơn nhiều. Nguyên nhân chủ yếu là do ta, không phải do tác động từ bên ngoài", ông Thiên chỉ rõ.