Ảnh: tapchitaichinh
Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm: Nông nghiệp là "trụ đỡ", thị trường nội địa là "điểm tựa"
6 tháng đầu năm 2020 là một chặng đường quá khốc liệt với nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam do tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19.
Theo số liệu mới được Tổng cục Thống kê công bố, 6 tháng đầu năm 2020, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam là 1,81%. Mặc dù 1,81% là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ các năm trong 10 năm trở lại đây nhưng nhìn toàn cảnh Việt Nam là một điểm sáng khi cho tới nay không có ca tử vong do dịch COVID-19 và tăng trưởng kinh tế duy trì mức dương 1,81%.
Đầu tư công là một trong những điểm sáng nổi bật của nền kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm. Ảnh minh họa. |
Nỗ lực tăng trưởng nửa đầu năm 2020
6 tháng đầu năm là chặng đường rất gập ghềnh. Quý I, kinh tế Việt Nam dù khó khăn vẫn giữ được mức tăng khá. Quý II chỉ tăng 0,36% - đây là thời gian chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi giãn cách dịch COVID-19. Tuy nhiên, vượt qua thời gian này nhanh chóng là lợi thế nổi bật của Việt Nam.
Dù sụt giảm cả hai chiều xuất và nhập khẩu do nền kinh tế có độ mở nhưng mức sụt giảm này so với thế giới cũng vẫn ở mức khá.
Trong khi hầu hết các chỉ số đều có mức sụt giảm thấy rõ thì đầu tư công là một trong những điểm sáng nổi bật với mức tăng 19%, tốt nhất trong 5 năm trở lại đây.
"Vốn đầu tư công hiện đang tác động tích cực tới ngành công nghiệp và xây dựng. Ngành xây dựng đã bắt đầu lấy lại đà tăng trưởng thúc đẩy sản xuất công nghiệp ở ngành xi măng, sắt thép", ông Phạm Đình Quý, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp, Tổng cục Thống kê nói.
Có thời điểm một số ngành đã rơi vào mức tăng trưởng âm nhưng vượt qua điều đó kết thúc nửa chặng đường của năm 2020, cả 3 khu vực chính của nền kinh tế đều có mức tăng trưởng dương là một nỗ lực không nhỏ của Việt Nam.
Nông nghiệp giữ vai trò "trụ đỡ"
Dịch bệnh hoành hành trên toàn cầu khiến cho các đối tác, bạn hàng thương mại của Việt Nam thắt chặt hoặc tạm thời ngưng các hoạt động giao thương từ đầu năm tới nay dẫn tới kim ngạch xuất, nhập khẩu nhiều mặt hàng của Việt Nam bị ảnh hưởng, nhiều doanh nghiệp Việt điêu đứng.
Tuy nhiên, một lần nữa Việt Nam lại có một con số đáng tự hào. 6 tháng đầu năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam tiếp tục xuất siêu 4 tỉ USD, thậm chí cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Đây là điểm sáng của kinh tế Việt Nam và cho thấy nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị và doanh nghiệp.
Đảm bảo lương thực, thực phẩm trong mọi tình huống là nhiệm vụ cấp bách Chính phủ giao cho ngành nông nghiệp khi dịch COVID-19 gây nhiều ảnh hưởng. Ảnh minh họa. |
Trong mức tăng trưởng 1,81% GDP 6 tháng đầu năm của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,19%, đóng góp gần 12% vào mức tăng trưởng chung. Tăng trưởng này đáng nể khi ngành nông nghiệp vừa chịu tác động nặng nề do COVID-19, vừa đối phó với thiên tai và thời tiết bất thuận nhất từ trước đến nay. Khô hạn khốc liệt, xâm nhập mặn nghiêm trọng nhất trong lịch sử.
Đảm bảo lương thực, thực phẩm trong mọi tình huống là nhiệm vụ cấp bách Chính phủ giao cho ngành nông nghiệp khi dịch COVID-19 gây nhiều ảnh hưởng và các quốc gia trên thế giới phải tăng cường dự trữ. Nhờ sự chủ động từ sớm nên mặc dù hạn hán và xâm nhập mặn khốc liệt hơn nhiều năm nhưng cả nước vẫn được mùa cả vụ Đông Xuân và vụ Hè Thu. Sản lượng lúa đạt 22,5 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu gạo 6 tháng đạt 1,7 tỉ USD, tăng gần 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại Hội nghị ngành nông nghiệp ngày 29.6, lãnh đạo ngành nông nghiệp khẳng định, khó khăn một thì sẽ phải quyết tâm gấp đôi, gấp ba. Vì vậy, ngành sẽ tìm mọi giải pháp giữ mục tiêu tăng trưởng từ 2,5-3% và kim ngạch xuất khẩu nông sản khoảng 41 tỉ USD.
6 tháng qua, cả nước cũng đã có 9 nhà máy chế biến nông sản với tổng mức đầu tư trên 10.000 tỉ đồng được khởi công, khánh thành và đi vào hoạt động.
Chỉ tính riêng rau quả, công suất chế biến của các nhà máy cũng đã lên tới 1,5 triệu tấn, gấp 3 lần so với trước. Vùng nguyên liệu của nhà máy mở rộng hơn cũng đồng nghĩa nông dân có cơ hội được tiêu thụ hết nông sản. 6 tháng vô cùng khó khăn với nông dân và ngành nông nghiệp, nhưng trong bối cảnh đó nông nghiệp vẫn giữ vững vai trò trụ đỡ của nền kinh tế.
Lợi thế từ thị trường trong nước
Trong khi các thị trường xuất khẩu gần như đóng băng, thị trường nội địa đang là "điểm tựa" của doanh nghiệp trong đại dịch. Vai trò của thị trường nội địa có lẽ chưa bao giờ lớn như trong những tháng vừa qua.
Trong tháng 6 đã có gần 5.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Ảnh minh họa. |
Chính việc đứt gãy thương mại quốc tế đã tạo ra nhiều chỗ trống ngay tại thị trường trong nước. Trong đó có nhiều lĩnh vực vốn là ưu thế của các mặt hàng nhập khẩu. Đẩy mạnh khôi phục và kích cầu từ thị trường nội địa là mũi tiến công phù hợp nhất trong bối cảnh hiện nay.
Thủ tướng Chính phủ cho rằng do cả cung và cầu của nền kinh tế đều yếu vì dịch COVID-19 nên phải lấy cung làm chủ đạo và đẩy mạnh cầu của nền kinh tế. Quyết tâm đẩy mạnh kích cầu thị trường nội địa và hàng loạt giải pháp của Chính phủ đã lan tỏa đến cộng đồng doanh nghiệp.
Trong tháng 6 đã có gần 5.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 31%, gần 14.000 doanh nghiệp đăng ký mới, tăng gần 28% so với tháng 5.
Kích cầu nội địa không chỉ tạo đà cho doanh nghiệp quay lại sản xuất, mà còn đóng góp lớn cho nền kinh tế khi các thị trường quốc tế vẫn gần như đóng băng. Theo các nhà phân tích, tất cả mặt hàng thiết yếu đều có thể khai thác mạnh mẽ được ở thị trường nội địa, kích hoạt lại nền kinh tế trong thời kỳ bình thường mới.
Nguồn Ban Thời Sự- VTV