Kinh tế Việt đang “mở” đến đâu?
Với sự tham luận của một Phó Thủ tướng, 3 Thứ trưởng, 10 lãnh đạo cấp cao các tập đoàn nội địa và 12 chuyên gia quốc tế hàng đầu, Vietnam Summit 2016 được đánh giá là một trong những hội nghị kinh tế lớn nhất năm 2016 xét trên cả hai phương diện quy mô lẫn chất lượng.
Xuyên suốt hơn 8 giờ đồng hồ đàm thoại mở với khoảng 250 khách mời chọn lọc, những vấn đề cốt lõi của nền kinh tế Việt Nam đã được đưa ra bàn luận: thách thức mới trong nông nghiệp bền vững dưới áp lực của biến đổi khí hậu; đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm trở thành điểm hút đầu tư hàng đầu khu vực; phương án đối phó khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) không được thông qua; nâng cao hiệu quả cổ phần hóa các doanh nghiệp quốc doanh và các mối quan hệ đa phương với Trung Quốc, Nga và Mỹ. Một Việt Nam đầy tiềm năng nhưng cũng lắm thách thức đã được khắc họa rõ nét qua phần tham luận của lãnh đạo 12 tập đoàn kinh tế đầu tàu như VNPT, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Vietnam Airlines, Tập đoàn Dệt may (Vinatex)…
Gây sức hút với các học giả quốc tế, chuyên gia tài chính và cộng đồng doanh nghiệp tham dự là tham luận hai màu sắc đối lập giữa một bên doanh nghiệp quốc doanh Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, ông Dương Trí Thành và doanh nghiệp tư nhân Tổng Giám đốc VNG Lê Hồng Minh. Vietnam Airlines tự hào rằng đường bay nội địa TP.HCM - Hà Nội là 1 trong 5 chặng bay bận rộn nhất hành tinh với tốc độ tăng trưởng 35% tại thị trường nội địa và hơn 15% thị trường quốc tế trong năm ngoái với quan hệ đối tác thương mại của hơn 30 hãng hàng không lớn. Còn VNG khiêm tốn nhìn nhận rằng ứng dụng khoa học công nghệ toàn cầu đang phát triển chóng mặt và VNG may mắn ứng dụng một phần nhỏ của công nghệ này vào trong các sản phẩm giải trí trực tuyến và thương mại điện tử với doanh thu năm 2015 hơn 1.700 tỉ đồng.
Bất ngờ lại đến từ chất vấn của hai chuyên gia tài chính quốc tế cho rằng Vietnam Airlines sở dĩ tăng trưởng như vậy là do hiệu quả chưa cao của ngành đường sắt hiện tại và VNG ở một khía cạnh nào đó đang tác động đến xu hướng gia tăng người trẻ Việt chơi game hơn các hoạt động thể chất lành mạnh khác. Người lãnh đạo cao nhất của hai tập đoàn lớn này đều đồng quan điểm cho rằng họ đang cố gắng làm tốt nhất trong lĩnh vực của mình và việc mất cân đối trong cơ cấu giao thông công cộng hay đa dạng hóa đời sống giải trí của người dân là vấn đề nằm ở “thượng tầng”. “Chúng tôi chưa từng có ý định thuyết phục ai đi chơi game!”, ông Lê Hồng Minh, VNG, nói.
Trong lĩnh vực năng lượng, động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế một quốc gia, nhiều băn khoăn của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cũng đang bỏ ngỏ. Ông Đặng Hoàng An, Chủ tịch kiêm CEO của EVN và ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, có chung nhận định rằng Việt Nam đã làm tốt vấn đề an ninh năng lượng quốc gia và duy trì chủ trương phát triển năng lượng sạch bền vững. Tuy nhiên, câu hỏi “thị trường điện cạnh tranh khi nào mới thành hiện thực?” vẫn chưa có lời đáp, khi còn nhiều băn khoăn như mảng phong điện mới chỉ chiếm chưa tới 0,1% lượng điện thương mại, giá thu mua từ EVN hiện chỉ là 6,8 cent/kWh và quỹ môi trường quốc gia chỉ trả thêm 1 cent.
Đại diện Bộ Công Thương chỉ ra một trong những vấn đề then chốt không phải nằm ở khâu độc quyền mà chính ở khái niệm “một xã hội sẵn sàng chi trả”. Tổng Giám đốc EVN cho rằng chỉ tới khi tư duy của người dân và các lãnh đạo doanh nghiệp đồng thuận việc giá điện thành phẩm cũng biến động theo quy luật cung cầu (thay vì phản ứng tiêu cực trước một kỳ tăng giá điện như hiện nay), thì lúc đó “độ mở” trong lĩnh vực sản xuất và cấp phát điện mới được linh hoạt.
Tại Vietnam Summit 2016, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, ông Lê Tiến Trường, cũng chia sẻ thẳng thắn về lợi thế nhân công giá rẻ của Việt Nam. Theo ông, lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong lĩnh vực sử dụng hơn 3 triệu lao động phố thông như dệt may đã không còn nằm ở chi phí nhân công rẻ vì mức lương trung bình đã vượt 250 USD/tháng. Mấu chốt vấn đề, theo ông Trường, chính là kỷ nguyên cạnh tranh bằng năng suất với việc giảm đơn giá lao động trên một đơn vị sản phẩm. Điều này, cả ngành dệt may Việt Nam, với vị thế là 1 trong 5 quốc gia dẫn đầu thế giới, đã bắt tay vào thay đổi trước khi khái niệm TPP được cộng đồng biết đến. Cụ thể, trước đây với 10.000 sợi cần đến 100 lao động thì nay con số này đã giảm đi 50%.
Tăng trưởng GDP thực của Việt Nam năm 2016 sẽ khoảng 6% và có thể sẽ còn tăng cao hơn trong năm 2017. Ảnh: Sơn Phạm |
Để khép kín chuỗi giá trị trong lĩnh vực dệt may, con đường gai góc nhất mà Việt Nam không có lựa chọn chính là đẩy mạnh áp dụng công nghiệp hóa và hiện đại hóa dây chuyền. “Không có lý do gì một quốc gia chiếm lĩnh 10% tổng cầu thế giới như Việt Nam lại áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong ngành may mặc chậm hơn các quốc gia khác”, ông Trường nhận định. Ngoài ra, hướng đi nâng cao độ khó trong kỹ thuật may đo và nhận những đơn hàng ngách đòi hỏi tinh xảo sẽ giúp ngành dệt may Việt chống đỡ trước đối thủ Trung Quốc và giúp giảm bớt nguy cơ 86% lao động ngành dệt may Việt sẽ bị thay thế bởi robot đến năm 2025.
Có cùng quan điểm tích cực về cơ hội lớn của Việt Nam trước các hiệp định FTA, đại diện khối doanh nghiệp FDI, ông Võ Quang Huệ, Phó Chủ tịch EuroCham Việt Nam kiêm Giám đốc Điều hành Công ty Robert Bosch Việt Nam, đi sâu vào 3 giải pháp để tăng sức cạnh tranh lao động Việt trong hội nhập. Đó là đào tạo lại đội ngũ lao động khai thác công nghệ hiện đại, bài toán về vốn đầu tư trong lĩnh vực đào tạo và cuối cùng là bắt kịp xu thế công nghệ trong các giáo trình đào tạo. Khi làm đề án chi tiết để thuyết phục Bosch mở chỉ nhánh lớn thứ 2 của tập đoàn này tại Việt Nam, ông Huệ đã có lời giải dài hạn cho những rủi ro như mức lương cơ bản mỗi năm tăng tối thiểu 12% tại thị trường nội địa.
Để đưa con số lao động nội địa lên tới 1.500 người, Bosch đã ký kết hợp đồng đầu tư 2,3 triệu USD trong 2 năm với doanh nghiệp nội Lilama 2 về lĩnh vực đào tạo nghề để thành lập Trường cao đẳng nghề Lilama 2. Mục đích là xây dựng chương trình dạy nghề kỹ thuật công nghệ (TGA) theo tiêu chuẩn Đức. Sau 5 năm đi vào hoạt động, từ 50 học viên lên đến con số 900 học viên phải thi tuyển cho 24 suất học trung cấp cho thấy một thực tế: giáo dục “học để làm thật” luôn có chỗ đứng trong thị trường lao động Việt Nam.
Điều khiến người ta giật mình, từ những chia sẻ của ông Võ Quang Huệ, nằm ở chỗ toàn bộ doanh thu năm ngoái 230 triệu USD của Bosch Việt Nam chỉ đến từ việc sản xuất 1 bộ phận duy nhất là dây đai truyền lực cho hộp số ô tô. Những kỹ sư có bằng trung cấp tại Lilama2 ở Việt Nam, cũng phải tuân thủ quy trình như 1.300 kỹ sư khác của Tập đoàn, bắt buộc cọ xát với môi trường làm việc tại Nhật trong 2 năm. “Chừng nào nghiên cứu và phát triển (R&D) được các doanh nghiệp Việt Nam chú trọng thì khi đó sức cạnh tranh quốc gia mới kéo nền kinh tế nội địa tăng trưởng theo chiều sâu”, ông Huệ khẳng định.
Phần lắng đọng nhất của Vietnam Summit 2016 nằm ở sự am hiểu tường tận của ông Santitarn Sathirathai, Trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế các thị trường mới nổi ở châu Á thuộc Credit Suisse, về vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam. Trong đó, khởi đầu ở việc làm sao nâng cao hiệu quả quá trình IPO các doanh nghiệp nhà nước (tính lũy kế từ năm 2011 đến cuối năm ngoái đã cổ phần hóa gần 1.100 doanh nghiệp nhà nước, tổng nguồn thu từ IPO ước đạt 100.000 tỉ đồng trong năm 2015 và các năm tiếp theo).
Mặc dù đồng thuận với quan điểm rằng “dù có TPP hay không, nền kinh tế Việt Nam vẫn vận hành tốt dựa vào hơn 10 hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương khác đã được ký kết”, nhưng ông nhấn mạnh vẫn còn đó nút thắt chính là đối tượng nào sẽ hấp thụ khối tài sản nhà nước khổng lồ sau cổ phần hóa. Đó còn là vấn đề lợi ích nhóm và sự gia tăng quyền lực nằm trong tay các tập đoàn kinh tế tư nhân, vốn chỉ ưu tiên lợi ích tăng trưởng hơn là các vấn đề phát triển bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái cho thế hệ kế cận. Đây cũng là những băn khoăn chung của chuyên gia kinh tế trưởng World Bank, ông Sebastian Eckardt.
Một vấn đề khác cũng được bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng Giám đốc PwC Việt Nam, nêu ra. Đó là Việt Nam đang tiến gần dòng chảy kinh tế toàn cầu, nên cần phải đẩy nhanh hiệu quả và minh bạch hóa nợ xấu của nền kinh tế. “Bán nợ, chuyển đổi cổ phần chỉ là giải pháp bất đắc dĩ cuối cùng trong chuỗi các gói giải pháp toàn diện giúp vực dậy các doanh nghiệp đang khó khăn”, bà nhận định. Khoanh vùng nợ, đưa người vào hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật và công tác điều hành, bơm thêm một phần vốn ngắn hạn để duy trì các đơn hàng là những giải pháp trong ngắn hạn mà các “chủ nợ” có thể đưa ra để giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn và đồng thời gián tiếp đảm bảo khả năng thu hồi vốn đã đem đi đầu tư, theo bà Vân.
Còn nhớ, IMF từng đưa ra khuyến nghị hướng tới giải pháp tạm ứng ngân sách quốc gia để tái cấp vốn cho ngân hàng quốc doanh với giá trị gợi ý khoảng 2,5% GDP. Sử dụng nguồn lực quỹ công này mặc dù sẽ dẫn đến sự gia tăng nợ ngắn hạn, nhưng về lâu dài sẽ có thể hạn chế sự thiếu ổn định, gia tăng khả năng chống đỡ của khu vực công trước những rủi ro phát sinh nợ từ phía các ngân hàng quốc doanh (nếu có) trong bối cảnh nguồn vốn bị suy yếu.
Mặt khác, theo các chuyên gia quốc tế, mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách bớt đi 0,75 điểm phần trăm GDP mỗi năm sẽ khả thi, nếu Việt Nam tiến hành cải cách và tái cấu trúc khối ngân hàng quốc doanh. Bởi lẽ, điều này sẽ giúp đẩy GDP thực lên 7% trong trung hạn và giảm rủi ro nợ dưới chuẩn. Theo ông Stephen Groff, Phó Chủ tịch khu vực Đông Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Phát triển châu Á, để giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn ngân sách, đồng thời tiết kiệm chi phí đi vay thương mại, cần nhanh chóng cải cách công ty xử lý nợ VAMC.
Nhìn vào các chỉ số đo lường hiệu quả của hệ thống ngân hàng Việt Nam trong vài năm gần đây sẽ hiểu được vì sao IMF lại đưa ra khuyến nghị này: lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) chỉ đạt 0,5% và lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) 6,25%, thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình hệ thống ngân hàng tại các quốc gia đang phát triển (so với mức 2% và 15% tương ứng). Hiện trạng này phản ánh sự tồn tại trong thời gian dài của các khoản vay kém chất lượng hoặc dưới chuẩn.
Jon Fasman, Trưởng văn phòng khu vực Đông Nam Á The Economist, đưa ra lời kết mở cho Vietnam Summit 2016 bằng nhận định của Economist Intelligence Unit (EIU). Theo đó, dự đoán tăng trưởng GDP thực của Việt Nam năm 2016 sẽ khoảng 6% và có thể sẽ còn tăng cao hơn trong năm 2017 nếu Việt Nam hiện thực hóa được khái niệm “chính phủ kiến tạo” bằng những hành động cụ thể nhằm tạo thêm độ mở cho nền kinh tế quốc gia.
Nguyệt Nguyễn