Chủ Nhật | 08/07/2012 15:28

Kinh tế tuần qua: Thủ tướng nhận định tăng trưởng kinh tế 2012 khó đạt mục tiêu

Theo Thủ tướng, năm 2012, tăng trưởng kinh tế Việt Nam chỉ có thể đạt mức 5,2-5,7%, so với mục tiêu đề ra là khoảng 6-6,5%.
GDP 2012 có thể tăng 5,2 - 5,7%

Đây là phát biểu của Thủ tướng tại hội nghị tổng kết công tác 6 tháng của ngành Kế hoạch và Đầu tư từ ngân sách nhà nước 3 năm 2012 - 2015.

Theo Thủ tướng, năm nay sẽ khó đạt được mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% mà chỉ có thể đạt mức 5,2 - 5,7%. Tuy nhiên, Chính phủ chưa đề cập vấn đề điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng do ưu tiên hàng đầu hiện nay là ổn định vĩ mô.

Trước đó, World Bank cũng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2012 chỉ khoảng 5,7%, trong khi IMF dự báo mức tăng khoảng 5,6%. Bi quan hơn, HSBC dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay chỉ 5,1%.

Năm 2013, theo kế hoạch dự kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng kinh tế đặt mục tiêu 6-6,5%, lạm phát ở 5-6%, tỷ lệ bộ chi ngân sách nhà nước so với GDP là 4,7%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 12%. Kế hoạch này sẽ được trình Chính phủ trong tháng 9.

Việt Nam được Khối thương mại tự do châu Âu (EFTA) công nhận quy chế kinh tế thị trường

Với sự công nhận này, Việt Nam có cơ sở để tiến hành đàm phán và ký hiệp định thương mại tự do với EFTA.

Khối EFTA gồm 4 nước Na Uy, Thụy Sỹ, Iceland và Liechtenstein, trong đó Na Uy là nước điều phối chung của EFTA, với thế mạnh là ngành công nghiệp đóng tàu, máy móc thiết bị phục vụ công nghiệp và nông nghiệp.

Thống kê cho thấy, năm 2011 tổng giá trị thương mại song phương giữa EFTA với Việt Nam đạt 2 tỷ USD. Vệt Nam xuất sang khối EFTA chủ yếu là giày dép, dệt may, đồ gỗ trang trí nội thất, thủ công mỹ nghệ, hạt điều.

PMI ngành sản xuất Việt Nam dưới mức trung bình 3 tháng liên tiếp

Theo khảo sát của HSBC, tháng 6, chỉ số quản lý sức mua (PMI) ngành sản xuất Việt Nam giảm từ 48,3 điểm trong tháng 5 xuống còn 46,6 điểm. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp chỉ số này dưới mức trung bình 50 điểm - ngưỡng báo hiệu ngành sản xuất đang ở chiều hướng suy giảm.

Chuyên gia kinh tế của HSBC cho hay, hoạt động sản xuất tiếp tục suy giảm cho thấy các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với các điều kiện kinh doanh khó khăn ở Việt Nam. Nhu cầu cả trong và ngoài nước đều thấp, dẫn đến giá cả tiếp tục giảm.

FDI vào Việt Nam giảm mạnh nhất Đông Nam Á

Theo số liệu từ báo cáo của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam năm 2011 giảm 570 triệu USD so với năm 2010, xuống 7,43 tỷ USD. Đây cũng là lượng vốn FDI vào Việt Nam thấp nhất trong 4 năm qua.

So với các nền kinh tế Đông Nam Á, FDI vào Việt Nam giảm mạnh nhất, trái ngược với các nước như Brunei, Indonesia, Malaysia và Singapore có FDI tăng mạnh.

Giải ngân 22.000 tỷ đồng/tháng vốn đầu tư công cuối năm

Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, 6 tháng đầu năm giải ngân vốn đầu tư phát triển và vốn trái phiếu Chính phủ mới đạt 91 nghìn tỷ đồng, bằng 40% kế hoạch cả năm. Do vậy, trong 6 tháng cuối năm sẽ cần giải ngân nốt hơn 130 nghìn tỷ đồng, tương đương mỗi tháng giải ngân 22 nghìn tỷ đồng.

Trước tình hình sẽ có một lượng vốn lớn được cung ra nền kinh tế trong 6 tháng cuối năm, Ngân hàng Nhà nước đã kiến nghị Chính phủ có kế hoạch giải ngân phù hợp, tập trung vào quý III để tránh việc gây áp lực lạm phát lên năm 2013 và các năm tiếp theo.

Nguồn DVT/Tổng hợp


Sự kiện