Chủ Nhật | 03/06/2012 15:01

Kinh tế tuần qua: Những lo ngại về sử dụng vốn và tình hình tài chính của tập đoàn

Trước thềm CG giữa kỳ, các nhà tài trợ lo ngại kết quả kinh doanh của các tập đoàn Nhà nước. Bên cạnh đó, việc xử lý nợ gây nhiều áp lực.
Dòng vốn tài trợ: Nỗi lo từ tập đoàn và việc sử dụng vốn

Tại họp báo trước thềm Hội nghị giữa kỳ nhóm tư vấn các Nhà tài trợ cho Việt Nam 2012 (CG giữa kỳ 2012), Giám đốc quốc gia World Bank Victoria Kwakwa cho biết các nhà tài trợ thực sự quan ngại trước những kết quả kinh doanh gần đây của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Hiện dư luận đang nóng lên vấn đề về Vinalines. Thanh tra Chính phủ đã có báo cáo kết luận tổng công ty này đã có sai phạm trong việc quản lý và sử dụng vốn Nhà nước (mua 73 tàu trị giá gần 23.000 tỷ đồng nhưng đa phần là tàu cũ), góp vốn vào các đơn vị, công trình mà chưa được Thủ tướng phê duyệt (mua ụ nổi No83M, xây cảng biển)...

Trước Vinalines, tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cũng được Thanh tra Chính phủ báo cáo là hoạt động không hiệu quả khi mà đầu tư ngoài ngành thua lỗ, tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) cũng bị kết luận là đã sử dụng sai vốn nhà Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng...

Ngoài ra, việc sử dụng vốn viên trợ cũng đang đặt cho nhà đầu tư nước ngoài những dấu hỏi. Tuần qua, Đan Mạch đã quyết định ngừng 3 dự án viện trợ Việt Nam vì thông tin về việc các dự án này có "gian lận". Đây là một lo ngại lớn khi mà hội nghị CG giữa kỳ sắp diễn ra, trong đó các nhà tài trợ thường bày tỏ sự quan ngại về vấn đề tham nhũng trong quản lý vốn ODA.

Tái cơ cấu doanh nghiệp: Nỗi lo từ những khoản nợ khổng lồ

Theo đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước của Bộ Tài chính trình bày tại Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4, tính đến tháng 9/2011, dư nợ vay ngân hàng của doanh nghiệp Nhà nước lớn là 415.347 tỷ đồng, tương đương 16,9% tổng dư nợ cả nước.

Trong đó, hơn một nửa số nợ tập trung vào 12 tập đoàn kinh tế Nhà nước, chiếm 8,76% tổng dư nợ toàn ngành ngân hàng. Bốn tập đoàn nợ lớn nhất là PVN, EVN, Vinacomin và Vinashin.

Có đến 30/85 tập đoàn và tổng công ty có tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao hơn 3 lần. Trong đó, 7 tập đoàn, tổng công ty có tỷ lệ này trên 10 lần. Ngoài ra, một số tập đoàn còn lỗ lớn như EVN, Vinashin...

Với tình hình tài chính như trên, Bộ Tài chính cho rằng nhiều tập đoàn, tổng công ty chưa đảm bảo các yêu cầu về an toàn tài chính, đang tiềm tàng nhiều nguy cơ rủi ro và đổ vỡ.

Trước vấn đề này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng để xử lý nợ xấu, Bộ Tài chính có thể cấp thêm vốn cho Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC), lập thêm công ty mua bán nợ, thậm chí cho các công ty nước ngoài thành lập công ty mua bán nợ.

Đồng thời, để không gây ảnh hưởng lan truyền tới hệ thống ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ thành lập công ty mua bán nợ trong hệ thống với số nợ mua khoảng 100 nghìn tỷ đồng.

World Bank và những đánh giá về kinh tế Việt Nam

Báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại CG giữa kỳ đã có những đánh giá tích cực về sự cải thiện của kinh tế Việt Nam như lạm phát, thâm hụt cán cán cân vãng lai giảm, tỷ gí ổn định...

Tuy nhiên, cơ quan này cũng đánh giá, Việt Nam sẽ phải trả giá cho những biên pháp nhằm ổn định môi trường kinh tế vĩ mô, nhưng không ổn định kinh tế. Chẳng hạn, tăng trưởng GDP đã giảm từ 6,8% trong năm 2010 xuống còn 5,9% trong năm 2011, và tiếp tục giảm xuống mức 4% trong quý I/2012 - mức thấp nhất kể từ năm 2009.

World Bank khuyến nghị, khi những thành quả ổn định kinh tế vĩ mô mới chỉ ở bước đầu và còn khá mong manh, kinh tế thế giới bên ngoài còn nhiều bất trắc, Việt Nam nên có những bước đi thận trọng, tránh điều chỉnh nới lỏng chính sách quá sớm.

Năm 2012, World Bank dự báo kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng thấp. Tuy sụt giảm nhưng tình hình không đến nỗi bi đát như trong năm 2009, khi nền kinh tế tăng trưởng ở mức 5,3%.

Nguồn DVT


Sự kiện