Chủ Nhật | 17/06/2012 16:18

Kinh tế tuần qua: Hơn 120 nghìn tỷ đồng sẽ được bơm ra để thúc đẩy tăng trưởng

Đại diện Chính phủ cũng nhận định, nền kinh tế hiện đã qua giai đoạn khó khăn nhất và sẽ phấn đấu tăng tưởng tín dụng 2% mỗi tháng trong cuối năm.
Chính phủ: Bơm tiền thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cuối năm

Theo báo cáo của Chính phủ đọc trước Quốc hội sáng 15/6, trong 6 tháng cuối năm, mỗi tháng sẽ bơm vào nền kinh tế khoảng 21.000 tỷ đồng. Việc bơm tiền này nằm trong kế hoạch phấn đấu tăng trưởng tín dụng mỗi tháng 2% để cả năm đạt từ 12 - 13%.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhận định, nền kinh tế hiện đã qua giai đoạn khó khăn nhất. Việc giảm lãi suất và cung ứng khoảng 21.000 tỷ đồng/tháng trong cuối năm đã nằm trong kế hoạch của chính phủ nên sẽ không tác động lớn đến lạm phát.

Do vậy, cả năm, Chính phủ vẫn giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6%, lạm phát 7 - 8%.

Đại biểu ủng hộ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp

Trong phiên thảo luận sáng 12/6, đa số đại biểu đồng tình việc giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2012 với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ngoài ra, một số đại biểu cũng đề nghị miễn thuế thu nhập cá nhân bậc 1 nhằm một phần nào đó thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa của các doanh nghiệp (Thuế thu nhập cá nhân bậc 1 được áp dụng với cá nhân có thu nhập từ 9 triệu đồng/tháng trở xuống).

Tiếp tục liên quan đến thuế thu nhập cá nhân, đại biểu Quốc hội đề nghị tăng mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân (hiện là 5 triệu đồng/tháng) và bỏ thuế suất 35% ở bậc 7, xem xét khoảng cách giữa các bậc thu nhập để tính thuế.

Quý III sẽ hoàn thành văn bản quản lý tập đoàn, tổng công ty Nhà nước

Nhận định các văn bản quản lý doanh nghiệp thời gian qua chưa khả thi, dẫn tới một số sai phạm tại Vinashin, Vinalines, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, quý III sẽ ban hành các văn bản quản lý tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.

Trước mắt, ngày 11/6 Thủ tướng đã ban hành Quyết định 704, yêu cầu doanh nghiệp Nhà nước phải xây dựng và công bố báo cáo thường niên về hoạt động đầu tư kinh doanh của chủ sở hữu nhà nước, gồm: ngành nghề kinh doanh chính, giá trị tài sản, thực trạng và hiệu quả đầu tư...

Bên cạnh đó, Thủ tướng đã chỉ đạo Vinalines cơ cấu chú trọng 3 nhóm chính: vận tải biển, cảng biển và dịch vụ. Bộ trưởng Vương Đình Huệ cũng cho biết, sẽ thành lập Tổng cục giám sát tài chính doanh nghiệp Nhà nước.

Liên quan đến nợ xấu, Phó Thủ tướng khẳng định, nợ xấu của hệ thống hiện nay có một phần của tập đoàn, tổng công ty nhà nước, tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu của tập đoàn cũng không phải cao.

Các thông tin Quốc hội nổi bật khác

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: 5 năm lương tối thiểu tăng 233% vẫn chưa đạt yêu cầu

Bộ trưởng Bộ Công thương: Cần 17 năm để xóa bỏ hoàn toàn độc quyền ngành điện

Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Chưa có dự án nào ngân sách Nhà nước phải trả nợ thay

Quốc hội xem xét đưa vàng và ngoại tệ vào dự trữ quốc gia

Thông tin kinh tế vĩ mô nổi bật

Theo kết quả khảo sát của Grant Thornton, nhà đầu tư tư nhân đã lạc quan trở lại với kinh tế Việt Nam. Nguyên nhân là do nỗ lực kiềm chế lạm phát, giảm lãi suất và tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước của Chính phủ và thị trường chứng khoán phục hồi.

Hà Nội bắt đầu tính chuyện giải cứu doanh nghiệp. Theo đó,doanh nghiệp Hà Nội sẽ được gia hạn nộp tiền sử dụng đất, hưởng ưu đãi về thuế, hạ mặt bằng lãi cho vay và được cơ cấu lại nợ.

Bộ Tài chính chỉ đạo bình ổn giá thị trường sau giảm giá xăng, dầu, gas. Trong đó, yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh vận tải giảm giá cước.

Theo dự báo của NDH Money, CPI tháng 6 có thể giảm so với tháng trước sau 40 tháng tăng. Điều này cho thấy quan ngại nền kinh tế đã đi vào giảm phát.

Nguồn DVT/Tổng hợp


Sự kiện