Chủ Nhật | 24/06/2012 16:06

Kinh tế tuần qua: CPI giảm, Quốc hội thông qua gói hỗ trợ hơn 30.000 tỷ đồng

CPI cả nước tháng 6 giảm lần đầu tiên sau hơn 3 năm. Quốc hội tuần qua cũng thông qua việc miễn giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp và cá nhân.
Quốc hội thông qua miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, cá nhân

Trong ngày cuối cùng của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII, các đại biểu Quốc hội đã thông qua việc giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2012 cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sử dụng lao động và doanh nghiệp gia công, chế biến nông - lâm - thủy sản.

Đồng thời, miễn thuế khoán (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân) và thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2012 với hộ, cá nhân kinh doanh nhà trọ, trông giữ trẻ...

Như vậy, gói hỗ trợ trị giá 29.000 tỷ đồng của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đã được Quốc hội thông qua.

Ngoài ra, Quốc hội còn thông qua miễn thuế thu nhập cá nhân từ ngày 1/7/2012 đến hết ngày 31/12/2012 với cá nhân có thu nhập chịu thuế ở bậc 1 (thu nhập chịu thuế là 5 triệu đồng/tháng). Đây là nội dung được bổ sung vào Nghị quyết nhằm tăng cường sức mua của người dân.

Theo Bộ Tài chính, việc miễn thuế thu nhập cá nhân bậc 1 trong 6 tháng cuối năm 2012 sẽ làm giảm thu ngân sách khoảng 2.000 tỷ đồng, chiếm 10% tổng số tiền thu được từ thuế thuế thu nhập cá nhân.

Tuy nhiên, ý kiến giảm 50% thuế giá trị gia tăng đã không được thông qua bởi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng nếu giảm thuế thì chưa chắc doanh nghiệp đã giảm giá bán, khó thực hiện mục tiêu kích cầu tiêu dùng.

Chỉ số giá tiêu dùng giảm lần đầu tiên sau 38 tháng

Cùng với việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Hà Nội và TPHCM giảm, CPI của cả nước tháng 6 giảm 0,26% so với tháng 5. Đây là lần đầu tiên chỉ số này giảm kể từ tháng 3/2009.

Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, CPI của cả nước mới chỉ tăng 2,52%, thấp hơn mục tiêu được Quốc hội đề ra rất nhiều (7-8%).

Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6% trong năm nay thì lạm phát phải ở mức khoảng 8%.

Ngoài ra, tuần qua giá xăng, dầu bán lẻ trong nước tiếp tục giảm 300 - 700 đồng/lít, kg (từ ngày 21/6). Việc giảm giá xăng dầu này có thể tiếp tục ảnh hưởng đến CPI của tháng 7.

Nhập siêu 6 tháng 2012 chỉ bằng hơn 10% cùng kỳ 2011

Tháng 6, nhập siêu cả nước ước đạt 150 triệu USD, đưa mức nhập siêu 6 tháng đầu năm lên khoảng 685 triệu USD, bằng 10,6% cùng kỳ năm trước.

So với tổng kim ngạch xuất khẩu, nhập siêu 6 tháng ước chỉ bằng 1,3% (mục tiêu là 12%).

Hiện một số mặt hàng đã có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD là dầu thô, thủy sản, càphê, gạo, cao su, dệt may...

Chính phủ thận trọng với mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2013

Theo Chỉ thị 19 của Chính phủ, năm 2013 Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, thận trọng nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi tăng trưởng đồng thời kiềm chế lạm phát.

Do đó, sẽ tập trung thực hiện các giải pháp chính sách, trước hết là các chính sách tiền tệ, tín dụng, chính sách thuế, đất đai, cải cách hành chính, thúc đẩy tăng trưởng. Phấn đấu đạt tốc độ tăng GDP khoảng 6 - 6,5%.

Được biết, mục tiêu tăng trưởng 2013 được Thủ tướng đề ra ngang bằng với mục tiêu tăng trưởng 2012, song lại thấp hơn mục tiêu tăng trưởng bình quân 2011 - 2015 đã được Quốc hội phê duyệt (7-7,5%).

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế trong 2013, trước mắt tập trung vào 3 lĩnh vực quan trọng là tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu thị trường tài chính và tái cơ cấu doanh nghiệp.

Các tập đoàn lớn thoái vốn khỏi bất động sản, chứng khoán, ngân hàng

Theo nội dung trong đề án tái cấu trúc vừa trình Thủ tướng, Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) đã xây dựng lộ trình đến 2015 chỉ đầu tư vào 5 lĩnh vực gồm thăm dò khai thác dầu khí, lọc - hóa dầu, công nghiệp khí, công nghiệp điện và dịch vụ dầu khí chất lượng cao, trong đó thăm dò khai thác dầu khí là cốt lõi.

Ngoài ra, PVN cũng mạnh dạn xử lý các đơn vị làm ăn thua lỗ, mục đích kinh doanh không phù hợp dưới các hình thức như bán khoán, cho thuê, sáp nhập, giải thể.

Ngoài PVN, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN)  cũng cho biết từ nay đén 2015 sẽ thoái vốn khỏi chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm (hiện số vốn góp của EVN trong 3 lĩnh vực này trị giá hơn 1.100 tỷ đồng.

Cũng theo Bộ Tài chính, năm 2012 sẽ tiến hành cổ phần hóa 93 doanh nghiệp Nhà nước, bằng  25% tổng số doanh nghiệp phải cổ phần hóa giai đoạn 2011 - 2015.

Trong đó, với PVN sẽ cổ phần hóa công ty TNHNN một thành viên Lọc - Hóa dầu Bình Sơn (đơn vị đang quản lý nhà máy lọc dầu Dung Quất). Với tập đoàn Công nghiệp xây dựng Việt Nam, sẽ cổ phần hóa 3 công ty mẹ của các Tổng công ty là Lắp máy Việt Nam (Lilama), Xây dựng và Phát triển hạ tầng (Licogi), Cơ khí Xây dựng (COMA).

Việt Nam vẫn là nước có nền kinh tế tăng trưởng nóng

Trong báo cáo triển vọng bán niên của ngân hàng Thế giới (World Bank), Việt Nam xếp thứ 22/29 nước được dự đoán có tốc độ phát triển cao nhất 2 năm tới.

Tổ chức này dự báo tăng trưởng GDP Việt Năm năm 2012 là 5,7% và tăng trong 2 năm tiếp theo lần lượt 6,3% và 6,7%, với động lực chủ yếu đến từ xuất khẩu, đặc biệt các ngành dệt may, dầu mỏ, điện, gạo và máy móc.

Ngoài Việt Nam, 2 nước Đông Nam Á khác là Indonesia và Lào cũng lọt vào bảng xếp hạng này. Iraq dẫn đầu danh sách tăng trưởng nóng với dự đoán tăng trưởng 3 năm 2012, 2013, 2014 lần lượt là 11,1%, 13,1% và 11%.

Nguồn DVT


Sự kiện