Thứ Ba | 14/07/2015 16:23

Kinh tế Trung Quốc giảm tốc: Nguy cơ tăng nhập siêu của Việt Nam

Kinh tế Trung Quốc giảm tốc và sự phá giá đồng nhân dân tệ sẽ ảnh hưởng thế nào lên cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam?

Sự phát triển chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc do khủng hoảng thị trường chứng khoán trong thời gian qua có thể ảnh hưởng lớn đến mức thâm hụt thương mại của Việt Nam trong thời gian tới khi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.

Trước tình giá chứng khoán liên tục lao dốc và các dòng vốn tìm mọi cách thoát ra khỏi thị trường Trung Quốc, chính phủ nước này đã ban hành một loạt các chính sách hỗ trợ thị trường. Trong đó có biện pháp phá giá đồng nhân dân tệ so với đồng USD. Theo đó, đồng nhân dân tệ yếu đi sẽ giúp các nhà xuất khẩu tăng sức cạnh tranh so với những thị trường khác, trong đó có Việt Nam.

Điều này sẽ gây tổn hại đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc, đặc biệt là hàng hóa nông sản khi Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính của Việt Nam. Và ngược lại hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc có thể sẽ tăng lên do khi phá giá đồng tiền, hàng hóa Trung Quốc sẽ rẻ hơn hàng hóa cùng loại của các nước khác. Ngoài ra khi nền kinh tế giảm tốc cũng sẽ khiến nhu cầu tiêu dùng tại thị trường Trung Quốc giảm mạnh nên các nhà xuất khẩu Trung Quốc phải tìm cách xuất khẩu ra bên ngoài để mong tìm kiếm lợi nhuận.

Theo số liệu từ Tổng cục thống kê VN, trong tháng 6 đầu năm, Việt Nam có mức nhập siêu là 700 triệu USD. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc trong 6 tháng tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 24,4 tỷ USD, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ tăng 3,6%, lên 7,7 tỷ USD trong cùng kỳ.

Trong tình hình hàng hóa Trung Quốc đang ngày càng phổ biến, giá rẻ hơn so với các mặt hàng nội sẽ là thách thức không nhỏ cho doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời xu hướng nhập siêu có tốc độ ngày càng tăng như hiện nay dự kiến sẽ làm thâm hụt thương mại sang thị trường Trung Quốc có thể tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.

Theo ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, một số ngành sẽ được hưởng lợi từ xu hướng giảm giá các nguyên vật liệu thô nhập khẩu từ Trung Quốc.  Ông Nam nhận định: “Các công ty dệt may và da giày sẽ có cơ hội mở rộng sản xuất vì kinh tế giảm tốc buộc các nhà cung ứng Trung Quốc phải hạ giá”, Bên cạnh đó, việc sụt giảm thị trường chứng khoán Trung Quốc có thể khiến các nhà đầu tư chuyển hướng đầu tư sang các thị trường khác, trong đó có Việt Nam.

Đinh Hạnh