Kinh tế TPHCM tăng tốc mạnh ngay từ đầu năm
Đây là động lực để thành phố hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội trong năm 2015.
Tín hiệu tích cực này đã được đưa ra tại phiên họp thường kỳ của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về tình hình kinh tế-văn hóa-xã hội tháng 1 và công tác trọng tâm tháng 2/2015, ngày 23/1.
Nhiều lĩnh vực tăng trưởng cao
Ông Thái Văn Rê, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố phố Hồ Chí Minh, cho biết tính đến 20/1, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn thành phố đã đạt kết quả khả quan. Thành phố có 23 dự án được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn tư đạt 329,5 triệu USD, tăng 53% về số dự án và tăng gấp 16 lần về vốn so với cùng kỳ.
Ngoài ra, 8 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư là 34,3 triệu USD, tăng gấp 4 lần về số dự án và tăng gấp 10 lần về vốn điều chỉnh so với cùng kỳ. Tính chung, vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh tăng vốn là 363,8 triệu USD, tăng gấp 15 lần so cùng kỳ.
Đầu tư trong nước cũng có những tín hiệu tích cực, đến 20/1, thành phố có 1.386 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 5.612 tỷ đồng, tăng 9,4% về số lượng doanh nghiệp, giảm 16,8% về vốn đăng ký so với cùng kỳ.
Ngoài ra, thành phố cũng 2.391 lượt doanh nghiệp đăng ký với số vốn bổ sung 8.780 tỷ đồng. Tính chung tổng vốn đăng ký và bổ sung là 14.393 tỷ đồng, tăng 33,2% so với cùng kỳ.
Đánh giá kết quả thu hút đầu tư của thành phố, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, nhận định công tác thu hút vốn FDI tăng cao ngay trong tháng đầu năm 2015 cho thấy, các nhà đầu tư đánh giá cao môi trường đầu tư của thành phố với nhiều cơ hội, thuận lợi phát triển kinh doanh sản xuất.
Ông Lê Hoàng Quân đề ra mục tiêu thu hút vốn FDI phải đạt vượt năm 2014 (3,2 tỷ USD), qua đó tạo tiền đề cho kế hoạch 5 năm tới.
Trong lĩnh vực thu ngân sách, bà Đào Thị Hương Lan, Giám đốc Sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết thu ngân sách Nhà nước tháng 1 ước thực hiện 26.800 tỷ đồng, đạt 10,08% dự toán, tăng 28,26% so với cùng kỳ.
Trong đó, thu nội địa 16.700 tỷ đồng, đạt 11,62% dự toán, tăng 28,28% so với cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 7.600 tỷ đồng, đạt 8,44 dự toán, tăng 48,94% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, công nghiệp cũng có mức tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, chỉ số phát triển công nghiệp của thành phố ước tăng 9,2% so với cùng kỳ. Bốn ngành công nghiệp trọng yếu: cơ khí chế tạo, điện tử, hóa chất-cao su-nhựa và chế biến tinh lương thực thực phẩm ước tăng 10% so với cùng kỳ, cao hơn mức trung bình của toàn ngành.
Theo ông Thái Văn Rê, quy mô sản xuất công nghiệp của thành phố tiếp tục mở rộng, cơ cấu nội bộ ngành có bước chuyển theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm dần tỷ trọng ngành công nghiệp khai khoáng, giải quyết nhiều việc làm.
Phân tích về những kết quả trên, ông Trần Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng những kết quả trên cho thấy tín hiệu lạc quan, tích cực về phát triển kinh tế. Doanh nghiệp có sự phát triển ổn định, đóng góp nhiều cho ngân sách thành phố. Tăng trưởng kinh tế của thành phố duy trì đà tăng tưởng tốt của năm 2014.
Chuẩn bị chu đáo cho nhân dân đón Tết
Bước vào tháng 2, tháng đón Tết cổ truyền của dân tộc, Thành phố Hồ Chí Minh chủ động triển khai nhiều giải pháp tăng cường công tác quản lý, điều hành, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, bình ổn giá cho Tết Ất Mùi 2015.
Theo đó, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã chuẩn bị nhiều mặt hàng bình ổn với số lượng lớn. Tổng giá trị hàng hóa chuẩn bị cung ứng trước và sau Tết là 15.849 tỷ đồng, tăng 8.267 tỷ đồng so với Tết Giáp Ngọ 2014.
Lượng hàng chuẩn bị cung ứng Tết tăng bình quân gần 63% so với kế hoạch của thành phố giao. Nhiều mặt hàng chuẩn bị lượng chi phối từ 30-60% nhu cầu thị trường. Giá hàng bình ổn thị trường Tết Ất Mùi 2015 ổn định, không tăng giá trong 2 tháng Tết.
Theo bà Đào Thị Hương Lan, Giám đốc Sở Tài Chính Thành phố Hồ Chí Minh, công tác chăm lo các đối tượng chính sách, cán bộ công nhân viên chức, người nghèo, khó khăn năm 2015 của thành phố tăng khoảng 20% so với năm 2014.
Dự kiến, thành phố sẽ dành khoảng 600 tỷ đồng chi các hoạt động chăm lo cho đối tượng trên trong dịp Tết này. Các doanh nghiệp đã thực hiện tốt kế hoạch sản xuất và dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ dịp Tết, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.
Để kinh tế thành phố tiếp tục phát triển ổn định, bền vững , Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường tiếp xúc, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về vốn, mặt bằng và đổi mới công nghệ.
Doanh nghiệp được hướng dẫn tiếp cận các cơ chế, chính sách của thành phố như chương trình kết nối cung-cầu, kết nối doanh nghiệp-ngân hàng, chương trình kích cầu thông qua đầu tư, chương trình bình ổn thị trường.
Việc làm này nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy đổi mới công nghệ, đầu tư chiều sâu để tăng năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp, phát triển đúng định hướng của thành phố.
Đối với một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, đặc biệt là trong tháng 2, thời điểm đón Tết cổ truyền, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân yêu cầu các cơ quan, đơn vị phải duy trì hoạt động điều hành, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, tránh tính trạng đình trệ, giảm sút do nghỉ dài ngày.
Ông Lê Hoàng Quân cũng yêu cầu sở ngành, quận huyện tăng cường công tác quản lý giá, đảm bảo nguồn cung hàng hóa phục vụ nhân dân dịp Tết.
Nguồn Vietnam+