Thứ Năm | 09/01/2014 16:11

Kinh tế thế giới sẽ tăng trong năm 2014 và 2015

Kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng trong 2 năm tới nhưng với tốc độ chưa cao.

Mới đây, Liên Hợp Quốc đã công bố báo cáo “Tình hình và viễn cảnh kinh tế thế giới” năm 2014, trong đó khẳng định tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ tăng trong vòng 2 năm tới.

Theo báo cáo, Văn phòng các vấn đề kinh tế và xã hội (DESA) của Liên Hợp Quốc dự báo tỷ lệ tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ ở mức 3% vào năm 2014 và 3,3% vào năm 2015, trong khi chỉ dừng lại ở mức 2,1% trong năm 2013.

Phó Tổng Thư ký phụ trách phát triển kinh tế của DESA, bà Shamshad Akhtar cho biết, nhịp độ tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ tăng trong năm 2014 và 2015, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng sẽ chưa cao. Mặc dù vậy, với việc thoát khỏi thâm hụt trong khu vực eurozone và phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ và Nhật Bản, cũng như nhu cầu tiêu dùng nội địa tăng tại các quốc gia đang phát triển, quá trình phục hồi của nền kinh tế thế giới có thể sẽ diễn ra thuận lợi hơn.

Theo bà Akhtar, hoạt động thương mại trong năm 2014 cho dù chưa quay trở lại đỉnh của thời kỳ trước khủng hoảng nhưng sẽ có nhiều bước tiến mới tại các nước phát triển và đang phát triển. Bà Akhtar đồng thời bày tỏ không ít hy vọng trước các thỏa thuận thương mại và tiến bộ đạt được gần đây, đặc biệt là bước tiến tích cực trong tiến trình thảo luận của Vòng đàm phán Doha của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Tuy nhiên, Phó Tổng Thư ký phụ trách phát triển kinh tế của DESA cũng lên tiếng cảnh báo, thất nghiệp vẫn là một thách thức lớn cần phải vượt qua. Theo bà Akhtar, để thúc đẩy nền kinh tế phát triển thì tỷ lệ thất nghiệp hiện nay là “không thể chấp nhận”.

Thêm vào đó, bà Akhtar cũng nhấn mạnh tới vấn đề đặt ra do suy giảm dòng vốn và biến động của nó trong bối cảnh Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thông báo thu hẹp chương trình hỗ trợ cho nền kinh tế mà họ vốn duy trì cho tới tận bây giờ.

Ngoài ra, trong các vấn đề vĩ mô, bà Akhtar cũng nói thêm rằng, các nhà lãnh đạo chính trị của nhiều quốc gia đang phát triển và các quốc gia chuyển đổi phải đối mặt với những thách thức buộc phải tiến hành tái cấu trúc toàn bộ hệ thống kinh tế.

Đánh giá về nền kinh tế Mỹ, ông Pingfan Hong, Trưởng Nhóm giám sát kinh tế thế giới của DESA nhận định, việc ngừng áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng định lượng (QE) sẽ gây khó khăn trong việc kiểm soát thị trường. Ông cho rằng, chính phủ các quốc gia trước hết nên tập trung vào mục tiêu giảm tỷ lệ thất nghiệp và hạn chế các tác động tiêu cực của việc ngừng chính sách nới lỏng định lượng.

Báo cáo kinh tế của Liên Hợp Quốc cũng đánh giá tình hình kinh tế của từng khu vực. Đối với nhóm các nền kinh tế phát triển, báo cáo cho rằng, tăng trưởng kinh tế Mỹ có thể đạt 2,5% trong năm 2014. Trong khi đó, mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Tây Âu dự kiến chỉ ở mức 1,5%. Nga được dự báo sẽ hồi phục ở mức vừa phải, lên 2,9% trong năm 2014. Kinh tế Nhật Bản được cải thiện nhờ vào các gói kích cầu của chính phủ nhưng mức tăng trưởng dự kiến trong năm 2014 vẫn thấp, chỉ đạt khoảng 1,5%.

Đối với nhóm đang phát triển, Liên Hợp Quốc dự báo tăng trưởng kinh tế của Brazil sẽ khôi phục lên mức 3% trong năm 2014; tuy nhiên, triển vọng này không chắc chắn do Brazil vẫn có thể phải chịu tác động của việc giảm nhu cầu từ bên ngoài, thiếu ổn định trong hoạt động lưu thông vốn quốc tế và chính sách siết chặt tiền tệ. Tình hình kinh tế của Trung Quốc được cải thiện với tăng trưởng dự kiến ở mức 7,5% trong vài năm tới. Ấn Độ sẽ hồi phục lên mức trên 5%.

Đặc biệt, các nền kinh tế châu Phi được đánh giá tương đối lạc quan khi GDP của khu vực này dự kiến tăng 4,7% trong năm 2014 so với mức 4% năm 2013.

Tuy nhiên, Liên Hợp Quốc cũng quan ngại về tình trạng tăng trưởng không bền vững của châu lục này do phải phụ thuộc vào các nguồn đầu tư dành cho cơ sở hạ tầng, thương mại, quan hệ đầu tư với các nền kinh tế đang nổi và cải thiện trong việc quản lý và điều hành nền kinh tế./.

CTV Thùy Anh/VOV online
Theo UN

Nguồn vov.vn


Sự kiện