Kinh tế Thái Lan thập niên 90 - bài học cho Việt Nam
Đây tương tự những gì người ta từng thấy tại Thái Lan cách đây 2 thập kỷ.
Lumens - một công ty sản xuất màn hình sử dụng bóng đèn diode (LED) vừa khánh thành nhà máy mới tại tỉnh Bình Dương vào đầu tháng 9. Đây là công ty nằm trong top 3 công ty sản xuất màn hình LED cho thiết bị di động lớn nhất thế giới, và là tin vui cho một đất nước vốn chưa được chú ý đầu tư bởi những nhà sản xuất linh kiện phụ trợ. Từ trước đến nay, nền công nghiệp điện tử Việt Nam chủ yếu vẫn là nhập khẩu phụ kiện và sau đó gia công, lắp ráp.
Giữa những năm 2000, làn sóng đầu tư mạnh mẽ từ nước ngoài đã giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức 7% mỗi năm. Tuy nhiên, những ngành như điện tử và may mặc yêu cầu một lượng nguyên vật liệu đầu vào khổng lồ mà đến bây giờ Việt Nam vẫn chưa thể tự sản xuất. Điều này đã dẫn đến thâm hụt thương mại rất lớn khi lượng hàng hoá nhập khẩu tăng không ngừng. Từ năm 2008, Việt Nam bắt buộc phải điều chỉnh tỷ giá tiền đồng từ khoảng 16.000 đồng mua 1 USD lên mức 22.000 đồng.
Động thái này như một gáo nước lạnh đối với hoạt động đầu tư nước ngoài đang phát triển khi mà các nền kinh tế khác trên thế giới đang rơi vào khủng hoảng. Tỷ lệ tăng trưởng của Việt Nam giảm xuống mức 5,6% vào năm 2008, và 5,4% vào năm 2009.
Năm 2009, Samsung Electronics trở thành "vị cứu tinh" khi tiên phong đầu tư xây dựng một nhà máy sản xuất smartphone tại tỉnh Bắc Ninh trị giá 700 triệu USD. Đây là một trong những nhà máy sản xuất smartphone lớn nhất thế giới với công suất 120 triệu sản phẩm mỗi năm. Một nhà máy tương tự được Samsung xây dựng ở tỉnh Thái Nguyên sau đó đã biến Việt Nam thành nhà xuất khẩu điện thoại chủ lực.
Tuy nhiên, sự khan hiếm các nhà sản xuất linh kiện vẫn là vấn đề lớn cho Samsung. Hãng này hiện phải nhập các linh kiện từ Trung Quốc, Hàn Quốc, và điều này chẳng làm được gì nhiều để hạn chế thâm hụt thương mại tại Việt Nam theo cái nhìn của nhiều người. Tuy nhiên, đối với một số người khác thì nếu ở đâu có nhà máy lắp ráp thì ở đó tất sẽ có nhà máy sản xuất linh kiện, vấn đề là thời gian.
Samsung còn tiếp tục đầu tư thêm một nhà máy sản xuất tivi tại Việt Nam. Nhiều công ty Hàn Quốc khác như LG cũng đã mở nhà máy tại đây. Theo sau các công ty này là những doanh nghiệp sản xuất linh phụ kiện và họ cũng đã có nhà máy tại Việt Nam. Kết thúc năm 2015, cán cân thương mại Việt Nam vẫn thiên về nhập siêu, tuy nhiên đến năm 2016, thặng dư thương mại đã là 2,4 tỷ USD.
Cho dù nhà đầu tư chủ lực Samsung đang gặp nhiều khó khăn về kinh doanh, ngành công nghiệp sản xuất ở Việt Nam hiện đã phát triển đa dạng hơn và ít có khả năng lâm vào suy thoái.
Để có một khái niệm về tiềm năng phát triển của Việt Nam, hãy nhìn vào Thái Lan. Trong nửa đầu năm 1997, đồng baht giữ giá trước đôla Mỹ, tạo điều kiện cho một làn sóng đầu tư vào đất nước này và kết quả là Thái Lan gặp phải thâm hụt thương mại sâu rộng khi nhập khẩu linh kiện quá nhiều. Tháng 7/1997, Thái Lan thực hiện chính sánh nới lỏng nội tệ, tiền baht trượt giá trước đồng đôla dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính trên toàn châu Á.
Về phía Việt Nam, tiền Thái mất giá giúp đẩy mạnh xuất khẩu và thu hút đầu tư sản xuất. Một vài công ty Nhật Bản vẫn trụ lại tại Thái Lan trong những năm sau khủng hoảng, tiêu biểu là Toyota khi đầu tư sản xuất xe bán tải. Khi hoạt động lắp ráp đạt tới mức giới hạn cũng là khi các công ty sản xuất linh kiện phát triển và thâm hụt thương mại giảm dần.
Sau khi Thái Lan hồi phục, nền kinh tế tăng trưởng ở mức 6,1% vào năm 2002. Trong năm tiếp theo, nước này tăng trưởng 7,2%. Nếu Việt Nam hạn chế được thâm hụt thương mại thì việc đạt được mức phát triển thần tốc như Thái Lan hoàn toàn có thể thực hiện được.
Không may cho những công ty doanh nghiệp Nhật Bản, chính những công ty Hàn Quốc mới là người nắm được thời cơ khi đầu tư vào Việt Nam trong thời điểm này. Hàn Quốc là quốc gia đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam với vốn dầu tư trực tiếp lên tới 6,7 tỷ USD, trong khi Nhật Bản đứng thứ ba với chỉ 1,7 tỷ USD.
Nguồn Vnexpress