Ngọc Trân Thứ Hai | 15/06/2020 14:00

Kinh tế Mỹ suy thoái: Cú sốc nhu cầu

Kinh tế Mỹ đã rơi vào suy thoái gây ra cú sốc nhu cầu toàn thế giới, trong đó có thị trường xuất khẩu của Việt Nam.

Nền kinh tế Mỹ đã đạt đến đỉnh điểm vào tháng 2 năm nay, nhưng kể từ đó đã rơi xuống vào suy thoái, theo Ủy ban Nghiên cứu Chu kỳ kinh doanh thuộc Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ (NBER). Kể từ năm 2009 đến nay, nước Mỹ mới bị suy thoái trở lại, kết thúc một chu kỳ tăng trưởng kéo dài nhất - 128 tháng, theo thống kê kinh tế được thực hiện ở nước này kể từ năm 1854. 

Khác suy thoái trước đây
NBER nhận xét đại dịch COVID-19 đã đẩy nền kinh tế đến chỗ suy thoái. Bởi vậy, nó hoàn toàn khác với những lần suy thoái trước. Thông thường, một nền kinh tế bị xác định rơi vào suy thoái khi tăng trưởng 2 quý liên tiếp sụt giảm. Dù Mỹ chỉ mới trải qua quý I tăng trưởng -5%, NBER xác định không cần chờ kết quả quý II để thông báo kinh tế Mỹ đã rơi vào suy thoái. 

Hoạt động kinh tế tại Mỹ đã bắt đầu suy giảm mạnh vào cuối tháng 2 và đầu tháng 3 khi dịch bệnh lan rộng trong những thành phố lớn như New York, Chicago, Atlanta. Những chỉ số đo lường nền kinh tế như chi tiêu thẻ tín dụng do Ngân hàng J.P. Morgan thực hiện cho thấy, tiêu dùng đã giảm mạnh kể từ đầu tháng 3 nhưng đã dần dần hồi phục từ cuối tháng 4. Tuy vậy, chi tiêu của người dân Mỹ vẫn còn ở dưới mức trước thời khủng hoảng.

Tỉ lệ thất nghiệp, một thước đo sức khỏe nền kinh tế và đầu vào quan trọng của việc nghiên cứu chu kỳ kinh doanh, đã bắt đầu tăng vào tháng 3, qua tháng 4 lên đến 14,7%, tháng 5 giảm nhẹ xuống còn 13,3%. Nhưng tỉ lệ này vẫn cao hơn tỉ lệ thất nghiệp cao nhất tính tới nay là của cuộc Đại suy thoái những năm 1930. Tính đến nay, hơn 42 triệu người lao động Mỹ xin trợ cấp thất nghiệp. Giáo sư David O. Dapice của Đại học Harvard và Fulbright Việt Nam cho rằng phục hồi kinh tế của Mỹ sẽ không thể tới nhanh được. “Chỉ khi nào tìm ra được vaccine chủng ngừa virus Corona thì mới nói đến chuyện phục hồi. Có thể là vào năm tới”, ông nói với NCĐT.

 

Thực ra, chuyện đáng lo nhất là những người lao động mất việc vì đại dịch. Họ không thể dễ dàng tìm được công việc mới vì nhiều ngành nghề đã ngưng hoạt động hầu như cùng một lúc. “Mọi người sẽ e dè đối với chuyện đi du lịch hoặc ra khỏi nhà; tỉ lệ tiết kiệm cá nhân ở Mỹ đang lên đến 33% so với mức 8% bình thường”, Giáo sư David O. Dapice nhận xét. Suy thoái của Mỹ cũng là một phần của suy thoái kinh tế toàn cầu do COVID-19 gây ra. Nó khiến cho thu nhập của nhiều người ở Mỹ và trên thế giới giảm xuống.

“Điều này đã làm suy yếu nhu cầu, trong đó bao gồm cả nhu cầu mua hàng nhập khẩu”, Giáo sư Dwight Perkins của Đại học Harvard và Fulbright Việt Nam nhận xét với NCĐT. “Những nhà xuất khẩu không thể làm gì được để thúc đẩy nhu cầu toàn cầu. Tất cả những gì họ có thể làm là cạnh tranh mạnh mẽ ở một số thị trường còn lại”.

GDP Mỹ năm nay dự báo giảm 6,5% do các hoạt động kinh doanh bị đình trệ chưa từng có vì nỗ lực đối phó đại dịch COVID-19 trước khi phục hồi 5% trong năm 2021, 3,5% trong năm 2022. Cú sốc nhu cầu, với độ trễ vốn có, dường như chỉ mới bắt đầu gây tổn thương cho các phân khúc lớn của nền kinh tế Mỹ. Đối với doanh nghiệp cung ứng tư liệu sản xuất, doanh số bán đã giảm trầm trọng; chính quyền tiểu bang và các địa phương thất thu thuế; chủ bất động sản cho thuê cũng không còn ở thời hoàng kim nữa. "Tình trạng bất ổn xã hội Mỹ và làn sóng COVID-19 trở lại đang là những yếu tố gây ảnh hưởng tới khả năng phục hồi của kinh tế Mỹ nhanh hay chậm", Steven DeSanctis, chiến lược gia đầu tư tại Jefferies, nhận xét.

Tác động đến Việt Nam chưa lớn
Trả lời NCĐT, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, đánh giá, suy thoái ở Mỹ sẽ khiến nhu cầu nói chung giảm mạnh, trong đó có nhu cầu nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ từ Việt Nam. Trong nửa đầu năm 2019, mỗi tháng, Mỹ nhập khẩu từ Việt Nam khoảng 5 tỉ USD; trong nửa cuối năm 2019 là 6 tỉ USD mỗi tháng; tháng 3 và tháng 4 năm nay là 5 tỉ USD.

Giáo sư David O. Dapice nhận định: “Như thế, suy thoái ở Mỹ đã đẩy lùi xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ trở lại với thời kỳ 6 tháng đầu năm ngoái”. Ông nói tiếp: “Nhìn chung, năm nay xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ sẽ chậm hơn, hoặc bị chững lại so với năm 2019. Tuy nhiên, xuất khẩu sẽ phục hồi vào năm 2021”.

 


Những doanh nghiệp chuyên xuất khẩu vào Mỹ phải làm gì nữa để giảm thiểu thiệt hại? Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đương nhiên, họ phải tìm thêm những thị trường thay thế. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng phải thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Nhưng ông cho rằng chuyện này không hề dễ dàng, bởi “nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc khá lớn vào xuất khẩu và nhập khẩu”.

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Giáo sư David O. Dapice cho rằng hầu hết hàng xuất khẩu sang Mỹ, trừ nguyên liệu thô và thực phẩm, là từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Hầu hết những công ty đơn thuần do người Việt Nam sở hữu không xuất khẩu trực tiếp sang Mỹ; một số còn bán hàng cho doanh nghiệp nước ngoài để họ xuất khẩu. 

Giáo sư David O. Dapice nhận xét: “Hiện đã xuất hiện một cơ hội lớn để công ty thuần Việt tạo ra giá trị gia tăng. Đó là sản xuất những thành phần cấu thành sản phẩm và bán cho doanh nghiệp FDI để họ xuất khẩu. Nhưng để làm được việc này, đòi hỏi phải có công nghệ, kiểm soát chất lượng đạt đến quy mô cần thiết và đào tạo công nhân cùng nhà quản lý”.
Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Đinh Xuân Quân, Việt Nam có thể hưởng lợi từ sự đa dạng hóa đầu tư khi nhiều nhà đầu tư như các công ty Nhật sẽ rút vốn, chuyển cơ sở ra khỏi Trung Quốc và đưa vào Việt Nam để ít bị phụ thuộc vào chuỗi cung ứng từ Trung Quốc. 
Vị chuyên gia từng là cố vấn của Bộ trưởng Kinh tế Afghanistan cũng nói thêm: “Các nhà đầu tư Trung Quốc cũng có thể vào Việt Nam để tránh thuế của Mỹ”. Nhưng ông cảnh báo: “Doanh nhân Trung Quốc có thể sẽ tìm cách tái xuất khẩu hàng hóa của họ sang Mỹ từ Việt Nam. Như thế, Việt Nam sẽ bị mắc kẹt và điều đó sẽ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn”.