Một trong những thị trường được đánh giá hấp dẫn là nội khối ASEAN, vốn nhận nhiều sự quan tâm của doanh nghiệp nội địa trong thời gian gần đây. Ảnh: Shutterstocks

 
Thanh Hằng Thứ Năm | 01/08/2024 10:13

Kinh tế đua về đích

Không chỉ tăng trưởng thuyết phục, điều đáng khích lệ là tăng trưởng đã bắt đầu có dấu hiệu lan rộng...

Nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng 6,42% so với cùng kỳ trong nửa đầu năm 2024, vượt xa mức 3,84% trong nửa đầu năm 2023.

Động lực cuối năm

“Chúng tôi duy trì dự báo tăng trưởng của Việt Nam ở mức 6% cho năm 2024 với mục tiêu tăng trưởng chính thức là 6-6,5% có khả năng đạt được”, ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Tập đoàn UOB, cho biết. 

Các động lực hỗ trợ cho triển vọng tăng trưởng của Việt Nam đến từ sự phục hồi của chu kỳ bán dẫn, tăng trưởng ổn định ở Trung Quốc và khu vực, cũng như khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới.

Bên cạnh những thuận lợi, chuyên gia UOB cũng đưa ra cảnh báo về khả năng nửa cuối năm 2024 có thể sẽ chứng kiến kết quả trầm lắng hơn, do nền cơ sở cao trong cùng kỳ năm 2023 dẫn đến việc duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa cuối năm nay sẽ thách thức hơn.

 

Ngoài ra, vẫn còn nhiều rủi ro, bao gồm xung đột giữa Nga và Ukraine cũng như ở Trung Đông giữa Israel và Hamas, có thể có tác động đáng kể đến thương mại quốc tế nếu tình hình xấu đi. Điều này có thể làm gián đoạn thị trường thương mại, vận chuyển, năng lượng và hàng hóa trên toàn cầu.

Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu của UOB cho rằng cả sự phục hồi nhu cầu bên ngoài và nhu cầu trong nước đều hỗ trợ nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh hơn mong đợi trong nửa đầu năm 2024. Lĩnh vực sản xuất tiếp tục tăng trưởng trong quý thứ 5 liên tiếp, ở mức 10% so với cùng kỳ và lĩnh vực dịch vụ tăng trưởng quý thứ 11 liên tiếp. Trong nửa đầu năm 2024, sản xuất và dịch vụ lần lượt đóng góp 29% và 45% trong mức tăng trưởng chung 6,42%.

Tuy nhiên, ông Suan Teck Kin đặc biệt quan ngại đến lạm phát, khi chỉ số này đã tăng nhanh trong những tháng gần đây và hướng tới mức trần mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước. Chi phí thực phẩm, nhà ở, giáo dục và y tế là những tác nhân lớn nhất tác động đến lạm phát trong 2 năm qua. Để giải quyết vấn đề lạm phát, theo ông Suan Teck Kin, “điều quan trọng là Chính phủ phải tăng chi tiêu để giúp tăng nguồn cung ở những khu vực như thực phẩm, giáo dục, y tế... trong thời gian dài, chẳng hạn như bằng cách nâng cao năng suất trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong ngắn hạn, tăng nguồn cung, ví dụ như đối với thực phẩm, bằng cách cho phép nhập khẩu nhiều hơn từ các quốc gia sẽ là một giải pháp khác”.

Đa dạng hóa thị trường

Mỹ và Trung Quốc lần lượt là thị trường xuất khẩu lớn nhất và là nguồn nhập khẩu lớn nhất, tương ứng với nguồn đóng góp chính vào thặng dư và thâm hụt thương mại của Việt Nam. Trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu vào Mỹ chiếm đến 28,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. 

 

Việc quá phụ thuộc vào một thị trường trong xuất khẩu và nhập khẩu sẽ là rủi ro lớn, đặc biệt trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ, vốn tiềm ẩn rủi ro tăng thuế áp lên hàng hóa nhập khẩu nếu ông Donald Trump thắng cử. Vì vậy, vị chuyên gia của UOB khuyến nghị doanh nghiệp nên đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Bên cạnh đó, theo Tiến sĩ Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc (CESS), các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Mỹ và EU đều áp dụng các tiêu chuẩn khắt khe về môi trường, chuyển đổi năng lượng hoặc truy xuất nguồn gốc. Đây sẽ là trở ngại lớn khi doanh nghiệp xuất khẩu sẽ phải mất nhiều thời gian và chi phí hơn để làm việc với các nhà nhập khẩu.

Một trong những thị trường được đánh giá hấp dẫn là nội khối ASEAN, vốn nhận nhiều sự quan tâm của doanh nghiệp nội địa trong thời gian gần đây. “Việc bán sản phẩm cho các thị trường lân cận sẽ mở ra những cơ hội mới và giảm rủi ro lô hàng bị trì hoãn do khoảng cách xa cũng như đối với nguồn cung”, chuyên gia của UOB phân tích thêm.

Sau mức tăng trưởng GDP yếu và thương mại quốc tế sụt giảm đáng kể vào năm 2023, không có gì ngạc nhiên khi các doanh nghiệp và thậm chí cả người tiêu dùng có thể ngần ngại vay vốn để đầu tư và chi tiêu do triển vọng không chắc chắn. “Khi dữ liệu được cải thiện đáng kể trong 6 tháng đầu năm 2024 và kỳ vọng về những mức tăng tiếp theo, niềm tin có thể sẽ quay trở lại. Điều này có thể dẫn đến việc sẵn sàng đi vay nhiều hơn trong nửa cuối năm, mặc dù mức độ sẽ phụ thuộc vào hoạt động kinh doanh mạnh mẽ như thế nào”, ông Suan Teck Kin nhận định.

Tuy nhiên, ông Paulo Medas, Trưởng đoàn Tham vấn và Giám sát Kinh tế vĩ mô Việt Nam của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cảnh báo, Việt Nam đang giữ lãi suất ở mức rất thấp để hỗ trợ phục hồi kinh tế. Vì vậy, nếu lãi suất toàn cầu vẫn ở mức cao như hiện nay, điều này có thể tạo thêm áp lực khiến đồng nội tệ của Việt Nam mất giá nhiều hơn.