Thứ Hai | 06/10/2014 07:30

Kinh tế đi lên, ai đi xuống?

“Nền kinh tế đã thoát đáy và đang vật vã để đi lên, nhưng tổng cầu vẫn yếu, nợ xấu không được giải quyết hiệu quả và đang có xu hướng tăng".
Kinh tế Việt Nam đã chạm đáy và đi lên? Câu trả lời có lẽ là “có” nếu chỉ đơn thuần nhìn vào số liệu thống kê mới nhất. Theo đó, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 9 tháng đầu năm đã tăng đến 5,62% so với cùng kỳ năm trước, vượt mọi kỳ vọng của nhiều chuyên gia kinh tế. Nếu không có gì bất ngờ, mục tiêu tăng trưởng 5,8% năm nay nhiều khả năng sẽ đạt được.

Tuy vậy, kết quả tăng trưởng lạc quan này không mang lại nhiều niềm vui vì nó không đến từ nội lực. Theo báo cáo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình hôm 29.9, tín dụng đã tăng được gần 7%. Nhưng so với mục tiêu 12-14% tăng trưởng cho cả năm thì trong 9 tháng đầu năm, hệ thống ngân hàng chỉ mới hoàn thành được hơn một nửa chặng đường, trong khi doanh nghiệp nội địa vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

“Nền kinh tế đã thoát đáy và đang vật vã để đi lên, nhưng tổng cầu vẫn yếu, nợ xấu không được giải quyết hiệu quả và đang có xu hướng tăng lên, tín dụng không đến được với nền kinh tế”, chuyên gia kinh tế Trương Đình Tuyển đã đúc kết như thế tại Diễn đàn Kinh tế mùa thu 2014 do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức vào cuối tháng 9 vừa qua.

Nếu không có sự vững mạnh và phát triển nhanh chóng của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), hay nguồn thu lớn từ khai khác dầu thô và khoáng sản, nền kinh tế Việt Nam khó có thể thoát khỏi số phận giảm phát tương tự như nền kinh tế Nhật cách đây hơn 20 năm. Lạm phát trong 9 tháng đầu năm chỉ tăng 3,62% so với cùng kỳ năm trước, mức thấp kỷ lục đối với một nền kinh tế trẻ và đầy sức sống như Việt Nam. Vì vậy, nếu không có những cải cách quyết liệt thì khi những yếu tố hỗ trợ cho tăng trưởng ngắn hạn như FDI, tài nguyên khoáng sản qua đi, yếu tố nội tại nào sẽ hỗ trợ cho sự phát triển bền vững trong tương lai?

Thực ra, lời giải đã có. Đó là nguồn lực của khu vực kinh tế tư nhân. Vị thế của khu vực tư nhân đã được nâng lên khá nhiều kể từ công cuộc đổi mới toàn diện nền kinh tế năm 1986, nhờ đó đã góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng thần kỳ của Việt Nam trong 2 thập niên qua. Thế nhưng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và sức ép cạnh tranh ngày càng lớn như hiện nay, khu vực doanh nghiệp tư nhân vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức để có thể chống chọi tốt trước những thách thức cũng như đóng vai trò là lực đỡ cho nền kinh tế.

Điều này không những được phản ánh qua con số tăng trưởng tín dụng kém, mà còn ở khả năng sản xuất và kinh doanh sinh lời thấp của khối doanh nghiệp tư nhân. Trong 9 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu của cả khu vực doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân cộng lại chỉ đạt 36,6 tỉ USD, chỉ bằng phân nửa giá trị mà khối FDI mang lại. Và nếu khối FDI không xuất siêu thì cán cân thương mại tổng thể của cả nước đã nghiêng về phía thâm hụt, tác động tiêu cực đến GDP.

Vì thế, tại Diễn dàn Kinh tế mùa thu vừa qua, tình trạng tổng cung trong nước sụt giảm là điều được quan tâm hàng đầu. Hai chuyên gia kinh tế Bùi Trinh và Nguyễn Trí Dũng đã cảnh báo nếu năng lực cung hạn chế hoặc yếu kém, việc gia tăng tổng cầu dù với bất cứ lý do nào về cơ bản chỉ làm tăng giá và thâm hụt thương mại mà thôi, còn sản lượng thực tế sẽ không thay đổi nhiều.

Tỉ suất lợi nhuận trên vốn của khối doanh nghiệp tư nhân đang giảm xuống
Tỉ suất lợi nhuận trên vốn của khối doanh nghiệp tư nhân đang giảm xuống.
Theo phân tích định lượng của hai chuyên gia này, nếu tiếp tục chính sách kích cầu, chỉ nên kích thích vào khu vực kinh tế tư nhân vì sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa tích cực nhất đến giá trị sản xuất và giá trị tăng thêm cho nền kinh tế. Nhưng điều khiến nhiều người lo ngại là hệ số sinh lời của khối doanh nghiệp tư nhân đang ngày càng giảm, xuống mức chỉ khoảng trên 1% (số liệu năm 2011), trong khi lãi suất huy động là 6-7% và lãi phải trả ngân hàng trên dưới 10%.

“Về mặt kinh tế, các doanh nghiệp này không có động cơ đầu tư mở rộng sản xuất. Đó là chưa nói đến việc bị đối xử thiếu bình đẳng so với khu vực FDI và doanh nghiệp nhà nước cũng như tình trạng nhiêu khê về thủ tục hành chính và các chi phí không chính thức”, hai chuyên gia này đánh giá.

Sự chật vật của khối doanh nghiệp tư nhân có thể thấy qua việc số doanh nghiệp đóng cửa và giải thể tiếp tục duy trì ở mức cao trong 9 tháng đầu năm, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước.

Bài toán của Việt Nam cũng là trường hợp Trung Quốc đang gặp phải. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang chứng kiến tăng trưởng kinh tế giảm dần khi các động lực tăng trưởng trước đó như khai khác tài nguyên và nguồn lao động dồi dào dần mất đi, trong khi vị thế của khối doanh nghiệp tư nhân vẫn chưa được xem trọng đúng mức.

Mới đây, Nicholas R. Lardy, nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Kinh tế học Quốc tế Peterson, đã công bố tác phẩm “Markets Over Mao: The rise of Private Business in China” (Tạm dịch: Nền kinh tế thời hậu Mao Trạch Đông: Sự vùng dậy của khu vực tư nhân Trung Quốc”). Trong đó, ông khẳng định vai trò ngày càng tăng của các yếu tố thị trường và sự năng động của khối doanh nghiệp tư nhân đã đóng góp lớn vào thành tích tăng trưởng ấn tượng của Trung Quốc kể từ cuối năm 1970.

Nicholas dựa trên những bằng chứng thực tế cũng bác bỏ quan điểm cho rằng sự thần kỳ của nền kinh tế Trung Quốc là nhờ vào tài chỉ huy tốt hơn của Chính phủ. Thậm chí, có ít bằng chứng cho thấy dưới thời lãnh đạo của Chính phủ Trung Quốc giai đoạn 2003-2013, vai trò và tầm quan trọng của các doanh nghiệp nhà nước được cải thiện đáng kể. Điều này đồng nghĩa với việc tương lai của Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào các động lực từ thị trường nhiều hơn. Trong đó, doanh nghiệp tư nhân sẽ là động cơ chính cho tăng trưởng cũng như tạo ra việc làm. Đây là một tấm gương cho Việt Nam.

Nguồn Nhịp Cầu Đầu Tư


Sự kiện