Kinh tế Đà Nẵng gặp “khó khăn chưa từng có”
Ở từng con số cụ thể, nhận định này của ông Thanh được thể hiện khá rõ.
Theo báo cáo của UBND thành phố, GDP năm 2012 ước tăng 9,1% so với năm 2011 (nghị quyết Hội đồng Nhân dân tăng 13-13,5%).
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 10.910,99 tỷ đồng, chỉ đạt 81,1% dự toán. Chỉ tiêu giải quyết việc làm cũng chỉ đạt 86% kế hoạch với 2,84/3,3 vạn lao động…
Ngay ở phiên khai mạc, tâm trạng băn khoăn lo lắng của cử tri thành phố về sự khó khăn của nền kinh tế với hàng trăm doanh nghiệp nhỏ và vừa giải thể, phá sản hoặc thu hẹp sản xuất cũng đã được phản ánh.
Con số cụ thể được đưa ra tại báo cáo của chính quyền thành phố là từ đầu năm đến nay đã có 264 doanh nghiệp thông báo tạm ngừng hoạt động. Ngành chức năng cũng đã thông báo giải thể, xóa tên 237 doanh nghiệp (tăng 24 doanh nghiệp so với năm 2011), tổng vốn đăng ký giảm 312 tỷ đồng; thực hiện đăng báo thông báo 403 doanh nghiệp vi phạm để xoá tên và tạm ngừng đăng ký mới đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ theo nghị quyết của Hội đồng Nhân dân về nhiệm vụ năm 2012.
UBND thành phố cũng cho biết, lãi suất cho vay bình quân bằng VND tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh đến cuối tháng 9/2012 là 14,36% giảm 5,49 % so với cuối tháng 9/2011 và giảm 5,16% so với cuối năm 2011; bằng ngoại tệ là 5,24% giảm 1,66 % so với cuối tháng 9/2011 và giảm 1,86% so với cuối năm 2011.
Lãi suất cho vay bình quân bằng VND của các tổ chức tín dụng nhà nước và cổ phần nhà nước chi phối có mức thấp hơn khoảng 2% so với mặt bằng bình quân; bằng ngoại tệ thấp hơn khoảng 1%. Tổng nguồn vốn huy động năm 2012 ước đạt 45,2 nghìn tỷ đồng, tăng 16,2% so với năm 2011. Dư nợ cho vay các thành phần kinh tế ước đạt 51 nghìn tỷ đồng, tăng 5,5%, trong đó cho vay khu vực dân doanh chiếm 87,5%....
Với 2013, tập trung hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn có hiệu quả cho doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh và phục hồi tăng trưởng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững là nội dung được đặt trong mục tiêu tổng quát của Đà Nẵng.
Một số chỉ tiêu chủ yếu là GDP ước tăng 9,5-10%, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 13-14%, trong đó xuất khẩu hàng hóa tăng 13,5-14%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn dự kiến 11.944,26 tỷ đồng, bằng 109,5% so với ước thực hiện năm 2012, giải quyết việc làm mới cho 31 ngàn lao động…
Tổng vốn huy động đạt 51 nghìn tỷ đồng, tăng 12,8% so với ước thực hiện 2012; tổng dự nợ cho vay đạt 57 nghìn tỷ đồng, tăng 11,8%.
Chính quyền thành phố nhận định, Đà Nẵng vẫn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức rất lớn như: đà tăng trưởng bị chậm lại trong năm 2012, các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ, xuất khẩu, về vốn..., nên sản xuất kinh doanh giảm sút mạnh.
Đặc biệt, thành phố phát triển mạnh trong những năm qua một phần lớn nhờ huy động vốn từ nguồn khai thác quỹ đất, song nguồn thu này đã giảm sút mạnh trong năm 2012 và dự kiến sẽ còn tiếp tục khó khăn trong một vài năm tới, gây mất cân đối nghiêm trọng về nguồn vốn đầu tư bố trí cho các dự án trọng điểm có liên quan đến hạ tầng và an sinh xã hội. Một số công trình trọng điểm đã có quyết định hoặc chủ trương bố trí vốn của Trung ương đã được thành phố xây dựng xong hoặc chuẩn bị hoàn thành nhưng chỉ được cân đối rất ít đã gây khó khăn rất lớn cho cân đối ngân sách địa phương.
Kỳ họp thứ 5 của Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng sẽ diễn ra đến hết ngày 6/12. Các vấn đề về kinh tế, xã hội, ngân sách được thảo luận trong ngày 5/12, trước phiên chất vấn vào sáng ngày tiếp sau.
Nguồn Vneconomy