Kinh tế bị ảnh hưởng không nhỏ do căng thẳng biển Đông
Ước giảm thu từ hoạt động xuất nhập khẩu với Trung Quốc trong tháng 6 khoảng 860 tỉ đồng so với tháng 5. Còn tính cả nước thì số thu tháng 6 giảm 1.400 tỉ đồng so với tháng 5 do kim ngạch xuất nhập khẩu có kim ngạch lớn, thuế suất cao như ôtô, xăng dầu, máy móc, thiết bị phụ tùng… giảm mạnh.
Cụ thể, ông Nguyễn Dương Thái, phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, cho biết số liệu thống kê sơ bộ tháng 6 cho thấy kim ngạch xuất khẩu tháng 6 sang thị trường Trung Quốc là 1,18 tỉ USD, giảm 2,5% so với tháng 5. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc tháng 6 sơ bộ là 3,43 tỉ USD, giảm 14,6% so với tháng trước.
Hôm qua 4-7, phát biểu chỉ đạo ngành tài chính, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đã đề nghị ngành tài chính tham mưu xây dựng phương án ứng phó với tình huống phát sinh, nhất là phải chủ động đối phó với Trung Quốc trong mối quan hệ kinh tế, thương mại.
Hiện nay, mọi việc đã trở lại bình thường nhưng phải lường trước, tư tưởng là không phụ thuộc vào một nước nào. Vị thế, tiềm lực tài chính của Việt Nam đã khá hơn trước rất nhiều. Chúng ta có cơ hội và khả năng ứng phó trước tình hình. Đây cũng là thời cơ để Việt Nam tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có tái cơ cấu xuất nhập khẩu, đầu tư, nhất là với Trung Quốc.
Riêng việc nhiều dự án đầu tư trong nước do Trung Quốc làm tổng thầu và thu xếp vốn, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cho hay Chính phủ đã tiến hành rà soát để ngăn chặn việc gây đảo lộn nền kinh tế nếu xảy ra tình huống không tốt. Ngoài ra, nếu Trung Quốc bỏ dở giữa chừng thì Việt Nam cũng có thể kiện bởi giữa hai bên có hợp đồng kinh tế.
Nguồn Tuổi Trẻ