Kinh tế 2016: Cơ hội và thách thức
Nền kinh tế Việt Nam đã có một năm đầy phấn khởi khi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng đến 6,68%, vượt mục tiêu đề ra và là mức cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Liệu năm nay, đà đi lên này có tiếp tục?
Chắc chắn, thế hệ lãnh đạo mới sẽ là một trong những nhân tố quan trọng tác động đến xu thế phát triển kinh tế. Một điểm đáng chú ý của thế hệ lãnh đạo mới là tỉ lệ người trẻ xuất hiện khá đông. Trong cơ cấu Ban Chấp hành Trung ương khóa 12, tỉ lệ nhóm tuổi từ 39-49 chiếm tới 23,5%, tỉ lệ giàu kinh nghiệm 50-59 tuổi chiếm đa số (70,5%). Thế hệ lãnh đạo trẻ, trong đó có khá nhiều người tốt nghiệp các trường đại học danh tiếng ở phương Tây, được kỳ vọng sẽ mang đến sức sống mới và sự táo bạo hơn trong các quyết định về đường lối chính sách.
Phát biểu trên hãng tin Bloomberg, ông David Roes, CEO của công ty quản lý quỹ Asean Investment Management, cho rằng với nhiều thành viên lãnh đạo mới, trẻ và có nền tảng giáo dục tốt, nhiều khả năng đường lối cải tổ nền kinh tế trong 3-4 năm tới sẽ tiếp tục được thực hiện.
Ngân hàng Standard Chartered cũng kỳ vọng GDP năm nay của Việt Nam sẽ tăng trưởng cao hơn năm ngoái, lên đến 6,9% nhờ khu vực xây dựng và sản xuất cải thiện hơn, dù môi trường bên ngoài Việt Nam vẫn tiếp tục bất ổn.
Một trong những động lực quan trọng nhất là dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Hiện tại, vị thế của Việt Nam trong khu vực ngày càng được nâng cao, tiếp tục là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Trong năm 2015, vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm đạt 22,76 tỉ USD, tăng mạnh 12,5% so với năm 2014. Ngày càng nhiều các tập đoàn nước ngoài chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư với số vốn hàng tỉ đô, điển hình là dự án Samsung Display Vietnam (3 tỉ USD), Nhiệt điện Duyên hải 2 (2,4 tỉ USD), dự án Thành phố Đế Vương (1,2 tỉ USD)... Chỉ số nhà quản trị mua hàng ngành sản xuất (PMI) liên tục giữ mức cao hơn 50 - ngưỡng phản ánh quy mô sản xuất mở rộng - trong 3 tháng gần đây nhất.
“Chúng tôi tin rằng Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn, một đánh giá mà các khách hàng của chúng tôi cũng phản ánh. Chúng tôi kỳ vọng luồng vốn FDI trong năm 2016 sẽ tiếp tục mạnh”, ông Nirukt Sapru, CEO của Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, nhận định.
Tuy nhiên, thực tế có thể kém lạc quan hơn. Nền kinh tế dù đã quay trở lại mức tăng trưởng khá cao trong năm vừa qua với tốc độ 6,68%, nhưng vẫn còn cách khá xa so với mức tiềm năng 7,5- 8%. Nguy cơ nền kinh tế bị rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp vẫn còn hiện diện nếu Việt Nam không cải thiện được năng suất lao động và tận dụng nguồn lực về vốn, nhân công giá rẻ và tài nguyên thiên nhiên một cách hiệu quả hơn.
Đó còn là thách thức từ môi trường bên ngoài, nhất là thị trường ngoại hối gây khó khăn cho các hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Việc nền kinh tế Trung Quốc cũng như các quốc gia mới nổi tăng trưởng chậm lại mang đến những thách thức cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong việc khai thác thị trường bên ngoài cũng như gia tăng áp lực cạnh tranh ở phân khúc cấp thấp. Đó cũng là lý do vì sao giá trị xuất khẩu trong năm 2015 chỉ tăng trưởng 8%, khá khiêm tốn so với mức tăng trưởng 2 con số của những năm trước đó.
Đầu tháng 2 năm nay, một cột mốc mới trong quá trình hội nhập quốc tế đã diễn ra khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chính thức được ký kết giữa 12 quốc gia. Không những là động lực tăng trưởng mới, TPP còn mang đến sức ép cải cách toàn diện cho nền kinh tế Việt Nam mà nếu không khắc phục được, hình ảnh xanh xao của khu vực kinh tế trong nước giai đoạn hậu WTO có nguy cơ lặp lại.
Theo ông Trần Thăng Long, Trưởng Bộ phận phân tích của Công ty Chứng khoán BIDV, triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2016 đan xen cả điểm sáng lẫn tối. Sự bền bỉ ổn định trong tăng trưởng sẽ thay thế cho sự bứt phá mạnh mẽ trong năm vừa qua.
Lý do là động lực tăng trưởng trong những năm qua vẫn thiếu tính bền vững, chủ yếu dựa vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, những rủi ro mất cân bằng có dấu hiệu tái xuất hiện như nhập siêu, dự trữ ngoại hối bào mòn, ngân sách kém bền vững, lãi suất qua vùng đáy.
Một khả năng trong năm nay là tiền đồng có thể giảm sâu. Theo BSC, tiền đồng có thể giảm thêm 5% trong năm nay, thậm chí trường hợp không thuận lợi có thể lên tới 8%. Đó là do áp lực tăng giá từ đồng USD kể từ sau sự kiện Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất tháng 12.2015 cũng như Việt Nam phải ứng phó với các động thái phá giá tiền tệ của các quốc gia trong khu vực.
Năm ngoái, thị trường bất động sản đã mang đến một niềm tin lạc quan cho toàn bộ nền kinh tế, lan tỏa đến nhiều lĩnh vực khác như xây dựng, vật liệu xây dựng, tài chính ngân hàng... Sau một năm tăng trưởng có thể xem là quá nóng, trong năm 2016 một sự bình lặng hơn trên thị trường bất động sản nhiều khả năng sẽ diễn ra. Điều này sẽ tác động không nhỏ đến viễn cảnh tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Thêm vào đó, Ngân hàng Nhà nước mới đây đã có chỉ thị yêu cầu các ngân hàng phải xem xét lại các khoản tín dụng cho vay lĩnh vực bất động sản khi có dấu hiệu tăng trưởng quá nhanh, lên đến hơn 15% trong 9 tháng đầu năm 2015. “Việc nâng cao tỉ trọng rủi ro rõ ràng sẽ ảnh hưởng tới khả năng tiếp cận vốn của các chủ đầu tư bất động sản trong năm nay và cũng sẽ ảnh hưởng tới nhu cầu mua nhà ở các dự án mà phân khúc người mua chủ yếu là các đối tượng đầu cơ”, Công ty Chứng khoán HSC nhận định.
Một thách thức khác cho nền kinh tế trong năm nay cũng như các năm sau chính là tiến trình cải tổ các doanh nghiệp nhà nước. Liệu quá trình này sẽ tiếp tục diễn ra với tốc độ mạnh mẽ dưới sự lãnh đạo của thế hệ mới?
Theo kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2015, dự kiến cổ phần hóa 527 doanh nghiệp, tính đến tháng 12.2015, cả nước mới thực hiện được 397 doanh nghiệp. Như vậy còn khoảng 130 doanh nghiệp sẽ cổ phần hóa theo kế hoạch 2011-2015. Thêm vào đó, lượng doanh nghiệp sẽ cổ phần hóa trong giai đoạn 2016- 2020 dự kiến cũng lên tới 500 doanh nghiệp. Rõ ràng, áp lực cải cách khu vực doanh nghiệp này trước thềm năm 2020 là rất lớn.
Nam Minh