Kinh tế 2014, nhận diện những rủi ro
Đánh giá về các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô năm 2014 đã được Quốc hội thông qua (tăng trưởng GDP 5,8%, lạm phát 7%), ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng, các chỉ tiêu này có thể thực hiện được nếu trong năm tới, Chính phủ tạo được những chuyển biến thực sự trong vấn đề xử lý nợ xấu.
Bởi chỉ xử lý hiệu quả được nợ xấu thì tăng trưởng tín dụng mới được đẩy mạnh, dòng tín dụng chất lượng mới được bơm vào các DN, giúp DN đầu tư mở rộng sản xuất - kinh doanh. Đồng thời, đầu tư tăng lên ở khu vực sản xuất - kinh doanh sẽ góp phần vào tăng trưởng và tác động tốt đến đời sống kinh tế - xã hội.
“Trong báo cáo cập nhật triển vọng phát triển châu Á 2013 (ADOU 2013) của ADB phát hành hồi tháng 10, chúng tôi đã dự báo mức tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2014 là 5,5% và lạm phát ở mức 7,2%. Như vậy, chỉ tiêu của Chính phủ và mức dự báo của ADB khác biệt không đáng kể”, ông Tomoyuki nói.
Đồng quan điểm trên, ông Tareq Muhmood, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên ANZ (Việt Nam) cho rằng, chỉ tiêu tăng trưởng và lạm phát được Chính phủ đề ra trong năm tới khá thực tế. Mặc dù có một số khó khăn, nhưng có rất nhiều ngành vẫn đang tăng trưởng tốt, đặc biệt là các ngành nông nghiệp, xuất nhập khẩu.
“Nếu bạn đến Đồng Nai hay Bình Dương, ở các khu vực này, DN vẫn hoạt động tốt và có khả năng bù lại cho các khu vực tăng trưởng chậm khác”, ông Tareq nói.
Kém lạc quan hơn, chia sẻ với ĐTCK, ông Sanjay Kalra, đại diện thường trú Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam nhận định, trong 2 năm 2012 - 2013, Việt Nam đã ổn định được kinh tế vĩ mô, nhưng tăng trưởng đã chậm lại và điều này sẽ tiếp diễn trong năm 2014.
“Sức cầu yếu sẽ tiếp tục làm giảm áp lực lạm phát và lạm phát trong năm 2014 tiếp tục duy trì ở mức một con số. Nhưng những yếu kém về cơ cấu trong khu vực ngân hàng và các DNNN sẽ cản trở tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam”, ông Sanjay nói. Báo cáo của IMF về triển vọng kinh tế khu vực châu Á -Thái Bình Dương công bố hồi tháng 10 đã dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức 5,4% trong năm 2014.
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam thì cho rằng, về cơ bản, triển vọng kinh tế trung hạn của Việt Nam dù tích cực hơn, nhưng vẫn tiềm ẩn những nguy cơ. Theo cập nhật kinh tế mới nhất của WB cho Việt Nam, tăng trưởng GDP dự kiến sẽ tăng nhẹ lên 5,4%, lạm phát được kiềm chế ở một con số năm tới.
“Mục tiêu tăng trưởng 5,8% hết sức khó khăn trong bối cảnh nguồn lực đầu tư của Chính phủ không còn dồi dào như trước đây và kinh tế thế giới vẫn chưa thực sự quay trở về thời kỳ tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, Việt Nam có khả năng đạt được mục tiêu này, nếu kiên quyết thực hiện cải cách và tận dụng được nguồn lực trong nước và quốc tế.
Các nhà đầu tư quốc tế chắn chắn mong muốn đưa vốn vào thị trường Việt Nam khi được minh chứng thực tế về tiến trình cải cách của Chính phủ”, ông Sumit Dutta, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam) nhận định.
Theo ông Sumit Dutta, Việt Nam đang đứng trước rủi ro bên trong lẫn ngoài nước. Kinh tế quốc gia láng giềng Trung Quốc đang đứng trước nhiều nguy cơ khi nợ xấu của hệ thống tín dụng tăng vọt, khủng hoảng nợ của các chính quyền địa phương.
Nếu Trung Quốc “hạ cánh đột ngột”, sẽ có khả năng có một cuộc khủng hoảng kinh tế từ khu vực châu Á trước khi lan ra toàn cầu. Ngoài ra, khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thực hiện cắt giảm gói kích thích kinh tế quá nhanh, trước khi kinh tế Mỹ thực sự hồi phục bền vững sẽ tạo hiệu ứng dòng vốn nóng tháo chạy khỏi các thị trường đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Về tình hình trong nước, rủi ro lớn nhất là việc chậm thực hiện các chương trình cải cách do lo ngại về đổ vỡ hoặc chi phí cải cách quá lớn. Việc chậm trễ thực hiện cải cách sẽ tạo thất vọng cho người dân và giới đầu tư, dẫn đến sức cầu tiếp tục giảm sút.
“Trước hết, rủi ro do tiến trình xử lý nợ xấu tiếp tục chuyển biến chậm chạp sẽ làm ảnh hưởng đến niềm tin của các nhà đầu tư. Rủi ro thứ hai là tăng trưởng thấp sẽ tạo áp lực phải nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ nhưng rủi ro lạm phát tăng lên, trong khi đó mang lại rất ít những tác động hỗ trợ tăng trưởng”, ông Tomo nói.
Đồng quan điểm trên, ông Tareq nhận định: “Lạm phát là rủi ro lớn nhất. Nếu lạm phát quay trở lại sẽ mang đến sự không ổn định, lãi suất tăng và sẽ khiến DN khó có thể tiếp cận vốn. Chính phủ nên có những bước đi thận trọng trong việc kiểm soát lạm phát”.
Nguồn Tinnhanhchungkhoan.vn