Kinh doanh xe điện nhiều tiềm năng tại Việt Nam
Khi nhu cầu di chuyển ngắn với những chiếc xe giá rẻ, tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện môi trường ngày càng cao cũng là lúc ngành xe điện dần thành hình.
Vài năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng của ngành này biến đổi thấy rõ. Năm 2013, doanh số toàn ngành, bao gồm cả xe máy điện và xe đạp điện đạt khoảng 370.000 xe, tức bằng khoảng 14% sức mua xe máy chạy xăng thông thường. Đến 2014, doanh số tăng lên thành 500.000 xe, tức tốc độ phát triển là 35%.
Theo dự đoán của những chuyên gia trong ngành, năm 2015 sẽ tiếp tục đà tăng trưởng từ những năm trước. Với mức giá thấp hơn nhiều so với xe máy, khách hàng không quá khó khăn để quyết định dốc hầu bao, nhất là phụ huynh mua cho học sinh hoặc người cao tuổi.
HKbike Cap A. |
Khảo sát trên thị trường cho thấy, mức giá xe điện dao động 7-18 triệu với nhiều chủng loại, mẫu mã và nguồn gốc khác nhau. Trong đó bán nhiều nhất ở tầm giá 9,5-12,5 triệu. Làm phép tính đơn giản với giá trung bình 10 triệu, doanh thu của ngành năm 2014 vào khoảng 5.000 tỷ đồng (10 triệu x 500.000 xe).
Số liệu khảo sát của HKbike cho thấy, cả nước hiện nay có gần 1.800 cửa hàng kinh doanh xe điện. Mỗi năm số cửa hàng đóng cửa là 40%, nhưng số mở mới còn cao hơn, lên tới 60%. Hầu hết các cửa hàng đều hình thành tự phát, nhỏ lẻ khi chủ đầu tư là cá nhân có vốn, thấy ngành đang lên thì tranh thủ kiếm lãi. Mùa mở mới nhiều nhất là thời điểm mua sắm cho học sinh, từ tháng 5 đến tháng 10. Nhưng do chưa đủ lâu để hiểu ngành cũng như không tập trung vào dịch vụ, xây dựng uy tín, thích lãi nhanh, nên chỉ khoảng trên một năm đến 2 năm, số cửa hàng này lại đi vào lối mòn đóng cửa.
Nguồn hàng tại các cửa hàng lẻ chủ yếu được cung cấp bởi các doanh nghiệp lắp ráp và bán buôn số lượng lớn trong ngành, mẫu mã xe nhập từ Trung Quốc. Một số hãng ở miền Bắc như Detech, Việt Thái, Sufat, HTC hay miền Nam có Ashama, Hitasha.
Cách hoạt động của các doanh nghiệp miền Bắc hầu như đều tìm nguồn hàng giá rẻ, có sẵn tại Trung Quốc rồi nhập về lắp ráp. Từ đó dẫn tới tình trạng chú trọng vào bán số lượng lớn, mà xem nhẹ khâu chất lượng cũng như dịch vụ, bảo hành, bảo dưỡng. Trong khi đó các hãng phía Nam lại đi lên nhờ uy tín làm xe đạp trước đây. Do mảng xe đạp vẫn mang lại mức lợi nhuận tốt nên mảng xe điện cũng chưa thực sự được chú tâm. Sức cạnh tranh tại đây thấp nên có những mẫu xe điện tồn tại gần 7 năm vẫn bán được.
Đại diện một số cửa hàng kinh doanh xe điện ở các tỉnh cho biết, họ ngày càng mệt mỏi với kiểu kinh doanh này. Bởi lẽ, dù tận dụng được chi phí nhập xe rẻ, cùng mẫu mã đa dạng nhưng xe lại hay hỏng vặt, điều kiện bảo hành lại không rõ ràng từ chính nhà cung cấp. Do đó, muốn chuyển sang kinh doanh từ gốc tới ngọn, tức có đủ các khâu trước và sau bán hàng để giữ uy tín lâu dài với khách.
Bà Lê Lan Hương - Tổng giám đốc HKbike cho biết, để làm được điều này, doanh nghiệp phải xây dựng đủ các bộ phận, từ thiết kế, nghiên cứu và phát triển (R&D), đặt hàng, nhập lắp ráp, bán ra thị trường, dịch vụ sau bán. Đây cũng là các khâu đảm bảo cho xe có đầy đủ giấy tờ hóa đơn, và đăng kiểm chất lượng cho từng xe xuất ra theo tiêu chuẩn của Cục Đăng kiểm Việt Nam của kiểu doanh nghiệp làm lớn, lâu dài.
Giới trẻ ngày càng chuộng xe điện thay cho xe máy chạy xăng. |
Nhập hàng từ Trung Quốc nếu kiểm soát chặt chẽ các khâu, sẽ tận dụng được lợi thế chi phí thấp nhưng vẫn có sản phẩm đảm bảo chất lượng. Thực tế đây cũng là cách những hãng khổng lồ công nghệ trên thế giới đang thực hiện như Apple sản xuất tại Trung Quốc.
Ví dụ ở HKbike, khi ra một mẫu xe mới, bộ phận R&D nghiên cứu thị trường Việt Nam, sau đó chọn lựa sản phẩm, đặt hàng các công ty ở Trung Quốc làm theo đúng yêu cầu, đảm bảo giống với thiết kế ban đầu, đạt chuẩn lắp ráp thì mới phân phối. Nếu làm tốt khâu kiểm soát, chất lượng xe sẽ bền hơn, quãng đường đi lại của xe tăng lên.
Sau khoảng 4-5 năm sử dụng nhiều loại xe điện, khách hàng hiện nay có kiến thức và kinh nghiệm chọn xe tốt hơn. Vì thế, họ sẵn sàng trả giá cao hơn đôi chút, nhưng đổi lại sở hữu sản phẩm mang tới yên tâm về chất lượng và cả pháp luật.
Những xe có quy trình nhập, lắp rõ ràng nguồn gốc xuất xứ, chứng nhận chất lượng, đầy đủ giấy tờ sẽ giúp khách hàng dễ dàng hơn trong khâu đăng ký. Do đó, những cửa hàng nhỏ lẻ dần vắng khách, cơ hội thị trường dành lại cho những hãng có hoạt động kinh doanh từ gốc, đầy đủ các khâu trong quá trình từ sản xuất tới phân phối.
Thị trường xe máy điện 5.000 tỷ đồng sẽ còn tăng lên qua mỗi năm, bởi xe máy chạy xăng đang dần chững lại, nhu cầu của lớp khách hàng tiềm năng là học sinh, sinh viên ngày càng cao. Nhưng cuộc chơi không dành cho tất cả, khách hàng càng hiểu biết, càng đòi hỏi kinh doanh có tầm. Mảng lớn thị trường sẽ chỉ mang lại tiềm năng khai thác cho những doanh nghiệp lăn lộn lâu năm trong nghề, và đầy đủ hoạt động từ nghiên cứu sản phẩm tới hậu mãi.
Nguồn VnExpress