Kinh doanh khó khăn khiến 54.333 doanh nghiệp “đuối sức”
Doanh nghiệp ngừng kinh doanh tăng
Cụ thể, trong tháng Mười, cả nước có 1.131 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 19,3% so với tháng trước song bên cạnh đó lại có 7.141 doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngừng hoặc chấm dứt hoạt động, tăng 57%, bao gồm 703 doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục giải thể, 1.058 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn và 5.380 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký.
Theo báo cáo trên, tính chung mười tháng của năm nay, cả nước có đến 54.333 doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giải thể hoặc đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn và tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước.
Theo đó, tổng vốn đăng ký của các doanh nghiệp gặp khó khăn trong 10 tháng lên tới 455.900 tỷ đồng, trong đó vốn đăng ký của các doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục giải thể là 61.700 tỷ đồng, “đây là vốn đăng ký của doanh nghiệp chắc chắn đã bị loại ra khỏi nền kinh tế,” báo cáo nhấn mạnh.
“Sàng lọc” doanh nghiệp
Bên cạnh đó, báo cáo cũng cho biết, trong tháng Mười, cả nước có 6.831 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 32.100 tỷ đồng, tăng 19% về số doanh nghiệp và tăng 5,1% về số vốn đăng ký so với tháng Chín.
Như vậy, trong mười tháng cả nước có 60.023 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 352.500 tỷ đồng, giảm 6,5% về số doanh nghiệp và tăng 9,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
Số lao động dự kiến được tạo việc làm của các doanh nghiệp thành lập mới mười tháng là 883.200 người, cũng giảm 0,2% so với cùng kỳ năm trước.
Nhóm các chuyên gia tham gia báo cáo đưa ra phân tích, “mặc dù vẫn chưa thực sự thoát khỏi khó khăn nhưng xét trên khía cạnh quy mô, doanh nghiệp thành lập mới trong mười tháng có chất lượng hơn so với cùng kỳ năm 2013.
Bởi, quá trình đào thải mạnh mẽ trong năm 2014 đã sàng lọc những doanh nghiệp thực sự có chất lượng với việc chủ động tìm kiếm cơ hội kinh doanh để mở rộng quy mô hoạt động. Cụ thể, trong mười tháng, tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm của cả nước vào nền kinh tế là 827.000 tỷ đồng.”
Ngoài ra, báo cáo này cũng chỉ ra, các ngành có xu hướng tốt lên khi có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng là dịch vụ lưu trú và ăn uống...
Bên cạnh đó, những ngành có sự tái cơ cấu mạnh mẽ là bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy, xây dựng tăng... đồng thời một số ngành vẫn gặp khó khăn so với cùng kỳ năm trước là y tế, hoạt động trợ giúp xã hội động, khai khoáng giảm, nghệ thuật, vui chơi và giải trí, tài chính, ngân hàng và bảo hiểm.
Nguồn Vietnam+