Kim cương hết lấp lánh
"Tôi đã chứng kiến những người đàn ông trưởng thành phải chảy nước mắt" khi nhìn thấy viên kim cương thô 1.109 carat Lesedi La Rona, người điều khiển cuộc đấu giá tại nhà đấu giá Sotheby’s nói khi mở màn buổi đấu giá viên kim cương lớn nhất thế giới được phát hiện trong hơn 1 thế kỷ vào ngày 29.6 vừa qua. Đây là viên kim cương thô mà Sotheby’s so sánh ngang ngửa với viên kim cương Cullinan 3.107 carat được phát hiện ở Nam Phi vào năm 1905. Thế nhưng, buổi đấu giá viên kim cương có giá khởi điểm 50 triệu USD này đã diễn ra một cách hờ hững. Thậm chí Lesedi La Rona không đạt được mức giá tối thiểu cần thiết 70 triệu USD. “Tôi có chút thất vọng. Không có người mua cá nhân nào và các nhà sản xuất, chế tác kim cương cũng tránh xa”, Lukas Lundin, Chủ tịch Lucara Diamond, nhận xét. Công ty Canada này đã tìm thấy viên kim cương thô Lesedi La Rona có kích cỡ bằng quả bóng tennis, khoảng 3 tỉ năm tuổi tại Botswana vào năm ngoái.
Thái độ lạnh nhạt của người mua đối với Lesedi La Rona là nỗi thất vọng tràn trề, tiếp nối chuỗi ngày dài ảm đạm của ngành kim cương. Trước buổi đấu giá 2 ngày, William Lamb, Tổng Giám đốc Lucara Diamond, cho biết ông tin rằng cuộc đấu giá sẽ trở thành biểu tượng cho sức hấp dẫn của kim cương và hứa hẹn sự phát triển của châu Phi. Ông hy vọng “sẽ xóa tan mọi lời đồn rằng tất cả kim cương đều là tồi tệ”.
Thực vậy, tai tiếng đã bám lấy ngành kim cương trong những năm gần đây, đặc biệt trong mắt của thế hệ millennial (thế hệ lớn lên cùng các phương tiện truyền thông xã hội, có độ tuổi từ 16-35). Họ không còn xa lạ với câu chuyện “kim cương máu”, nổi lên từ sau cuộc nội chiến ở Sierra Leone vào thập niên 1990. “Kim cương máu” hay còn gọi là “kim cương xung đột” được dùng để nói đến những viên đá quý được khai thác trên xương máu của những người lao động nghèo khổ, đặc biệt ở châu Phi. Những viên kim cương này được vận chuyển trái phép, nhất là được dùng vào mục đích tài trợ cho các cuộc chiến ở Angola, Cộng hòa Congo..., đưa hàng triệu người dân châu Phi vô tội vào vòng xoáy chiến tranh, nô lệ và áp bức bóc lột.
Chính vì vậy, kể từ năm 2003, khoảng 75 quốc gia có tham gia vào chuỗi cung ứng kim cương đã bắt tay với các tổ chức phi chính phủ trong quy trình Kimberley Process (KP), được ra đời nhằm cấm xuất khẩu kim cương với mục đích tài trợ cho các cuộc xung đột đẫm máu. KP chứng nhận chất lượng kim cương bán ra thị trường có nguồn gốc sạch sẽ, không đến từ những khu vực xung đột ở châu Phi. Vì lý do này mà KP được xem là huy hiệu danh dự trong ngành kim cương. Nhưng năm nay các tổ chức phi chính phủ đã tẩy chay KP, cáo buộc nước chủ trì KP là Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã quá khoan nhượng đối với hoạt động buôn bán các viên “kim cương máu” từ Cộng hòa Trung Phi.
Căng thẳng tài chính cũng đang gia tăng, đặc biệt là đối với những sightholder. Đây là các tổ chức kinh doanh kim cương đóng vai trò trung gian, chuyên mua kim cương thô và vận chuyển chúng đến những nơi như Antwerp và Mumbai để cắt gọt và đánh bóng. Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính, các ngân hàng chịu sức ép phải đảm bảo rằng họ không cho vay đối với những tổ chức, doanh nghiệp dính líu đến hoạt động rửa tiền, chuyển giá và tài trợ cho khủng bố. Những sightholder xưa nay tránh xa ánh mắt của công chúng, giờ bị buộc phải nâng cao tính minh bạch. “Cơ cấu doanh nghiệp của họ rối mù như đĩa mì spaghetti vậy”, Faz Chaudhri, chuyên gia tư vấn ngành kim cương, nhận xét.
Hồi tháng 6, Standard Chartered đã đóng cửa bộ phận tài trợ cho hoạt động kim cương 2 tỉ USD của mình, với lý do bộ phận này không còn phù hợp với “các tiêu chuẩn mới về rủi ro” của Ngân hàng. De Beers, nhà khai thác và sản xuất kim cương lớn nhất thế giới, gần đây yêu cầu các sightholder được cấp phép mua kim cương thô của Tập đoàn phải vén cao “bức màn bí mật” về hoạt động và kể từ năm tới phải công bố báo cáo tài chính hợp nhất theo tiêu chuẩn quốc tế. Tập đoàn cho biết hơn 12 tỉ USD giá trị các khoản tín dụng ngân hàng sẽ phải tuân theo các quy định siết chặt hơn.
Dự báo lượng cung kim cương trên toàn cầu |
Không chỉ tiếng tăm bị sa sút, ngành này còn đối mặt với tình trạng dư thừa nguồn cung kim cương do nhu cầu tiêu dùng ở Trung Quốc giảm mạnh. Điều đó đã kéo giá những viên kim cương được cắt gọt đẹp đẽ, thuộc loại hàng xịn giảm từ 12.000 USD/carat còn 7.400 USD/carat trong 5 năm, theo Rapaport-RapNet Diamond Trading Network.
Đã vậy, thách thức công nghệ càng khiến cho ngành kim cương khó mà chinh phục khách hàng thuộc thế hệ millennial, đối tượng người mua tương lai của họ. Từ Trung Quốc cho đến Mỹ, các nhà nghiên cứu đang ra sức cải tiến khả năng nuôi cấy kim cương trong phòng thí nghiệm. Họ không còn dừng lại ở việc cho ra lò hàng tỉ carat kim cương tổng hợp được sản xuất dưới áp suất và nhiệt độ cao, thường được sử dụng trong các ngành như khoan dầu. Giờ họ đang hoàn thiện những viên đá có chất lượng cao để phục vụ cho ngành trang sức.
Kể từ năm ngoái, Diamond Foundry (Mỹ) đã sản xuất những viên kim cương thô được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm có chất lượng gần như không thể phân biệt được với những viên kim cương được khai quật dưới lớp đất đá. Những viên kim cương này được sản xuất dựa trên phương pháp lắng đọng hơi hóa học, một công nghệ thông dụng trong ngành bán dẫn. Martin Roscheisen, ông chủ của Diamond Foundry, cho biết, năng suất sản xuất là vấn đề cốt lõi; công ty của ông có thể nuôi cấy trong 2 tuần lễ 1 mẻ lên tới 150-300 viên đá quý, thay vì chỉ một số ít như trước đây. Chúng có thể được cắt gọt một cách tinh xảo như bất kỳ viên kim cương nào và chỉ ít đắt hơn một chút mà thôi, ông nói.
Diamond Foundry đang làm tăng sức hấp dẫn cho những viên kim cương họ làm ra bằng cách tấn công vào điểm yếu nhất của các nhà khai thác mỏ truyền thống: bóc lột lao động để khai thác kim cương. Vấn nạn này càng được khắc họa rõ nét qua bộ phim Kim Cương Máu ra mắt vào năm 2006, do tài tử Leonardo DiCaprio thủ vai chính, nhấn mạnh thông điệp rằng việc tiêu thụ những viên kim cương không rõ xuất xứ là gián tiếp gây nguy hiểm tính mạng của người dân ở châu Phi. Và vì thế, bán những viên kim cương “thuần khiết” và mang tính “đạo đức” sẽ đánh đúng vào lương tâm của thế hệ milliennial.
Các nhà khai thác kim cương cười nhạo với ý nghĩ tặng cho bạn gái một viên kim cương nuôi cấy trong phòng thí nghiệm như lễ vật cầu hôn. Nhưng ông Roscheisen cho rằng người mua ít nhất sẽ biết rằng kim cương của ông đến từ đâu, còn người mua những viên kim cương do khai thác mà ra thì không.
Hiện tại, doanh số bán những viên kim cương nuôi cấy trong phòng thí nghiệm vẫn còn khiêm tốn so với doanh số hằng năm 14 tỉ USD của những viên kim cương thô được khai thác từ các hầm mỏ. Tuy nhiên, vào năm 2014, hãng tư vấn Frost & Sullivan ước tính doanh số bán kim cương nuôi cấy có thể sẽ tăng mạnh, đặc biệt khi nguồn cung kim cương từ các mỏ truyền thống cạn kiệt.
Khánh Đoan
Nguồn The Economist