Kiều hối tại Việt Nam chiếm 5,1% GDP
Philippines là nước nhận kiều hối tính theo GDP lớn nhất khu vực Đông Á, chiếm 10,7% GDP cả nước. Kiều hối là nguồn ngoại tệ quan trọng và là thu nhập của Fiji (5,8% GDP), Việt Nam (5,1% GDP) và Campuchia (3% GDP).
Lượng kiều hối tại Việt Nam tăng dần qua các năm. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), vào năm 2010, Việt Nam đứng hàng thứ 16/30 quốc gia trên thế giới có lượng kiều hối chuyển về nhiều nhất.
Hiện tại có khoảng hơn 4 triệu người Việt Nam sinh sống tại nước ngoài. Bao gồm Việt kiều, sinh viên, học sinh, hay nguồn xuất khẩu lao động ở hơn 100 nước trên toàn thế giới, có nhu cầu gửi tiền về giúp đỡ gia đình, người thân, gửi tiết kiệm hoặc đầu tư. Trong những năm vừa qua, Chính phủ đã nới lỏng chính sách chuyển tiền về của dân cư sinh sống ở nước ngoài, do đó lượng gửi tiền về Việt Nam qua kênh chính thức tăng lên rõ rệt.
Bình quân mỗi năm mỗi người gửi về cho gia đình người thân 2000 USD. Chính nguồn vốn dồi dào này đã phần nào làm giảm bớt gánh nặng tài chính quốc gia, là đối trọng của một nước nhập siêu như Việt Nam. Do vậy, kiều hối được xem như nguồn ngoại tệ mạnh mẽ ổn định theo thời gian.
Khoảng tiền này không gặp trở ngại như FDI về vấn đề nguồn vốn nước ngoài đầu tư, làm giảm quyền sở hữu của doanh nghiệp trong nước (mua lại cổ phần), hay hàng hoá tạo ra cạnh tranh với hàng nội địa… Hay như vốn vay ODA là nguồn tiền phải trả cộng với lãi suất dù ở mức thấp.
Qua biểu đồ ta có thể thấy, kiều hối là nguồn ngoại tệ quan trọng của Việt Nam. Ba năm liên tiếp trở lại đây, nguồn kiều hối có giá trị bằng 60% tới 76% nguồn vốn FDI và luôn gấp 2 tới 2,4 lần nguồn vốn ODA được giải ngân.
Nguồn Stox