Kienlongbank ngày bầu Thắng ra đi
Sau gần 5 năm tái cấu trúc, Ngân hàng kiên Long (Kienlongbank) dường như vẫn là ngân hàng đậm chất “nông thôn” có trụ sở ở miền Tây, còn ông Võ Quốc Thắng, thường được gọi là Bầu Thắng, lại chọn về với thương hiệu Đồng Tâm trong bối cảnh ngành bất động sản đang đi lên và Công ty mở rộng thêm nhiều ngành nghề khác.
Ngày đổi chủ
Bầu Thắng bước chân vào Kienlongbank năm 2013 trong bối cảnh hàng loạt ngân hàng buộc phải tái cấu trúc vì nợ xấu và áp lực đổi chủ. Sức ép lên các nhân tố mới tái cấu trúc ngân hàng là không hề nhỏ. Chẳng hạn, Tập đoàn Thiên Thanh mua lại Ngân hàng Đại Á với giấc mơ tạo ra một ngân hàng dành riêng cho mảng xây dựng, nhưng kết quả là càng gỡ càng khó cho những ông chủ mới. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp mà cho đến thời điểm này, việc tác hợp giữa ông chủ mới và các ngân hàng cũng có những tín hiệu hòa hợp như trường hợp của TPBank.
Qua gần 5 năm tái cấu trúc, kết quả kinh doanh ở Kienlongbank chưa thực sự ấn tượng nếu nhìn vào các con số tài chính. Chẳng hạn, tổng tài sản chỉ tăng 2 lần so với năm 2012 (lên mức 37.335 tỉ đồng), dư nợ tín dụng tăng gấp 2,5 lần (24.686 tỉ đồng). Quy mô này tương đương với PGBank - ngân hàng mới vừa đệ trình phương án sáp nhập với HDBank.
Điều đáng nói là dù quy mô tài sản và tín dụng tăng, lợi nhuận trước thuế lại giảm dần, một phần cũng vì chi phí trích lập dự phòng tăng lên cho các khoản nợ xấu. Để tái cấu trúc các khoản nợ, nếu không bơm vốn thêm thì cũng dùng lợi nhuận làm ra để xử lý. May mắn là năm ngoái, lợi nhuận trước thuế đã bật tăng trở lại trong bối cảnh hàng loạt ngân hàng đua nhau báo lãi.
Hãy so sánh với TPBank, một ngân hàng niêm yết trên thị trường gần đây. Ngân hàng này cũng có điểm tương đồng với Kienlongbank ở chỗ, cả 2 đều có một ông chủ mới nhảy vào để tái cấu trúc. Xuất phát điểm của TPBank cao hơn khi quy mô lớn hơn nhiều so với Kienlongbank lúc các ông chủ mua lại ngân hàng (5.500 tỉ đồng so với 3.000 tỉ đồng). Thêm nữa, 2 ngân hàng cũng đi theo hai chiến lược khác nhau.
Khác với Bầu Thắng, ông Đỗ Minh Phú của TPBank quyết định gắn tên mình nhiều hơn với TPBank thay vì Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Doji. TPBank cũng mạnh tay đổ tiền làm thương hiệu, hướng đến dịch vụ ngân hàng số, còn Kienlongbank vẫn chăm chút cho khu vực nông thôn và dường như chỉ tập trung vào bộ phận khách hàng phổ thông.
“Kienlongbank không phải là ngân hàng có quy mô lớn, nhưng với lợi thế am hiểu thị trường và hiểu rõ khách hàng, chúng tôi đã chọn hướng đi riêng, tập trung tiềm lực vào phân khúc bán lẻ và khu vực nông thôn”, ông Thắng mô tả về hướng đi của Kienlongbank trong giai đoạn qua.
Từ khi Bầu Thắng bước vào lĩnh vực ngân hàng, Kienlongbank tiếp tục mở rộng mảng bán lẻ của mình, vốn chỉ có lợi thế ở nông thôn. Kienlongbank bắt đầu chập chững phát triển những sản phẩm bán lẻ đầu tiên. Năm 2017, ngân hàng này phát hành hơn 300.000 thẻ ghi nợ, tăng 24,25% so với năm 2016 và thẻ tín dụng tăng gấp 3 lần, lên con số 10.462 thẻ, theo báo cáo thường niên năm 2017. Đây đều là những sản phẩm bình thường của một ngân hàng bán lẻ, nhưng là bước khởi đầu quan trọng của Kienlongbank.
Theo ông Thắng, quy mô giao dịch ngân hàng liên tiếp được mở rộng trong giai đoạn qua, góp phần đẩy lượng khách hàng mới tăng đáng kể. Theo đó, nông dân tại các xã cách xa trung tâm có thể tiếp cận được nguồn vốn vay, đầu tư sản xuất, nâng cao thu nhập và xóa đói giảm nghèo.
Theo báo cáo thường niên năm 2017 của Kienlongbank, dư nợ khách hàng cá nhân chiếm 69,75% tổng dư nợ, tăng 25,77% so với năm 2016, còn dư nợ phân khúc khách hàng doanh nghiệp tăng 22,91%.
Đổi người có đổi vận?
Bầu Thắng đã chọn Đồng Tâm thay vì Kienlongbank trước áp lực của Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi có hiệu lực từ đầu năm, quy định chức vụ chủ tịch hội đồng quản trị một ngân hàng thì không được làm thành viên hội đồng quản trị ở các doanh nghiệp khác.
Lý giải về việc chọn cách ra đi, Bầu Thắng cho biết là để tập trung phát triển Đồng Tâm. Tập đoàn này gần đây đã đầu tư dự án xây dựng hơn 250 tỉ đồng, có công suất 1 triệu mét dài/năm và dự định tăng gấp đôi vào cuối năm nay. Đồng Tâm cũng có kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng mới ở Long An để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Sự mở rộng của Đồng Tâm trong thời gian gần đây trái ngược với sự co cụm trong giai đoạn bất động sản trầm lắng trước đó. Với việc sở hữu 12 nhà máy, Đồng Tâm ngày nay không chỉ sản xuất vật liệu xây dựng mà còn mở rộng đầu tư cả khu công nghiệp, dịch vụ logistics, cảng biển... Bầu Thắng cũng đặt nhiều kỳ vọng vào Cảng Quốc tế tại Long An với tổng vốn đầu tư 9.000 tỉ đồng.
Hãy trở lại câu chuyện người kế thừa ở ngân hàng. Khi Bầu Thắng ra đi, người kế nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị là ông Lê Khắc Gia Bảo, còn chiếc ghế Tổng Giám đốc chính thức thuộc về bà Trần Tuấn Anh. Hai nhân vật này đều là người cũ của Ngân hàng trong giai đoạn 2013-2017, như ông Bảo là Trưởng ban Kiểm soát, còn bà Tuấn Anh là Phó Tổng Giám đốc thường trực.
“Đa số cán bộ quản lý của Kienlongbank trong hệ thống được bồi dưỡng, đào tạo từ lực lượng kế thừa nội bộ”, ông Thắng cho biết. Theo ông Thắng, đội ngũ nhân sự ở Kienlongbank đã đủ đức đủ tài để ông rời khỏi Ngân hàng và tập trung sức lực cho kế hoạch mở rộng hoạt động của Đồng Tâm. Quan điểm của ông Thắng là thước đo thành công của Kienlongbank phụ thuộc vào sự trưởng thành của thế hệ lãnh đạo tiếp theo. Thực ra, người kế thừa ông còn có con trai, đi học ở nước ngoài và đã kinh qua các vị trí chủ chốt của ngân hàng.
Việc thay cơ cấu nhân sự liệu có giúp Kienlongbank tiến nhanh hơn? Nói như ông Vũ Văn Tiền, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng An Bình, đó là cơ hội dành cho người trẻ hơn. Nhưng về chiến lược chung, có vẻ như Kienlongbank vẫn kiên trì với con đường tiếp theo của mình. Năm nay, Kienlongbank vẫn kiên trì kế hoạch mở rộng mạng lưới giao dịch với con số dự kiến là 17 chi nhánh, nâng lên thành 134 điểm giao dịch.
Trong gần 5 năm tái cấu trúc Kienlongbank, ngoài việc không có nhiều dấu ấn nổi trội trên thị trường, vốn điều lệ của Ngân hàng không tăng thêm. Hiện có khoảng 8/31 ngân hàng thương mại cổ phần vẫn sở hữu vốn điều lệ quanh mức 3.000 tỉ đồng, là mức vốn pháp định tối thiểu cho hoạt động ngân hàng.
Thêm nữa, áp lực của Kienlongbank trong bối cảnh này là không hề nhỏ, khi ngân hàng nào cũng đua bán lẻ. Kienlongbank do đó sẽ tiếp tục gặp thách thức trong bài toán mở rộng kinh doanh của mình.
Tuy nhiên, năm nay cũng có điểm nhấn tích cực khác khi Ngân hàng dự kiến tăng vốn điều lệ thêm gần 237 tỉ đồng bằng việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Dự kiến năm 2018, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 405 tỉ đồng, đồng nghĩa với mức tăng lên đến 60%. Báo cáo quý I cho hay Ngân hàng đã đạt được hơn 73,29 tỉ đồng, tương đương 18% so với kế hoạch.