Kiện phòng vệ thương mại gia tăng
Trong quá trình hội nhập kinh tế, DN sản xuất XK của Việt Nam đã phải đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại dẫn đến việc bị áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ. Số liệu cập nhật của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho thấy, tính đến hết tháng 10-2014, con số các vụ kiện đã lên đến 80 vụ, trong đó DN Việt Nam bị điều tra chống bán phá giá chiếm đến 47 vụ. Danh sách mặt hàng XK bị điều tra ngày càng đa dạng từ ốc vít, sợi, máy biến thế cho đến thủy hải sản, thép và các sản phẩm từ thép...
Mới đây nhất, điện thoại di động cũng bị Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành điều tra tự vệ. Riêng với mặt hàng thép, trong thời gian từ 2011 đến 2013, Việt Nam đã phải ứng phó với 8 vụ điều tra chống bán phá giá sản phẩm về thép (ống dẫn dầu, thép cuộn cán nguội, thép cuộn nguội, ống thép các bon, thép cuộn nguội, thép cuộn không gỉ, mắc áo thép, tháp điện gió).
Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, luật sư Trần Hữu Huỳnh cho biết, nếu so sánh với các nước thì Việt Nam không phải là nước có số lượng vụ kiện nhiều nhưng tăng nhanh về số lượng vụ kiện và chủ yếu liên quan đến kiện chống bán phá giá. Nguyên nhân là do tốc độ XK của nước ta tăng nhanh, XK sang nhiều thị trường, đặc biệt là những thị trường chủ lực của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU thường xuyên áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Một nguyên nhân khác được ông Huỳnh nêu ra là do Việt Nam không được coi là nền kinh tế thị trường. Khi tính biên độ bán phá giá, các nước thường lấy nước thứ 3 để tham chiếu, gây bất lợi cho hàng hóa Việt Nam bởi các nước được tham chiếu thường có giá cao hơn Việt Nam nên dẫn tới nguy cơ bị kiện cao.
Các vụ kiện phòng vệ thương mại đã gây ra tác động xấu đối với các DN XK bởi sự tốn kém tài chính khi phải thuê luật sư tư vấn bảo vệ lợi ích của mình khi XK. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Công Thương, DN đã chủ động hơn trong việc tìm hiểu cũng như tham gia các vụ kiện. Có những vụ việc bị nêu tên trực tiếp, nhiều DN chủ động tham gia kháng kiện hoặc thuê luật sư nước ngoài chứ không còn “bàng quan” như trước kia.
Với xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng, cùng với việc Việt Nam tham gia ký kết nhiều FTA trong năm tới như FTA Việt Nam - EU, FTA Việt Nam - Liên minh Hải quan, Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), xu hướng bị kiện sẽ càng gia tăng. Bởi lẽ, các FTA được ký kết mang lại kỳ vọng tăng trưởng vượt bậc về kim ngạch XK khi thuế quan được cắt giảm về 0%. Nhưng XK càng nhiều đồng nghĩa với việc các nước gia tăng biện pháp bảo hộ sản xuất trong nước.
Theo bà Phạm Hương Giang, Phó Trưởng phòng xử lý các vụ kiện phòng vệ thương mại của DN nước ngoài (Bộ Công Thương), DN tính đến bài toán cân đối về khả năng, tức là theo dõi thị trường, mức giá như thế nào để không bị kiện ở các thị trường, không tăng trưởng quá nóng vào một thị trường bởi khi XK quá nóng vào một thị trường tự nhiên sẽ bị để ý. DN phải có chiến lược định giá, không chạy theo giá thấp để XK bằng mọi giá dẫn tới việc bị kiện và mất thị trường.
Ngoài việc DN nên đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, ông Huỳnh còn nhấn đến vai trò hiệp hội/ngành hàng trong công cuộc phòng vệ các vụ kiện. “Dưới áp lực nguy cơ bị kiện như vậy, hiệp hội/ngành hàng cần đưa ra thông tin để DN biết, điều phối không làm mặt hàng quá rẻ, cạnh tranh trực tiếp với nước NK”, ông Huỳnh nói. Bên cạnh đó, hệ thống cảnh báo sớm của cơ quan quản lý, thương vụ nước ngoài cần được cập nhật để DN điều phối. Đặc biệt, khi đã xảy ra vụ kiện, DN cần hợp tác với cơ quan chức năng trong việc minh bạch sổ sách kế toán để chứng minh mình cũng hoạt động theo nền kinh tế thị trường, để biên độ áp thuế thấp hơn.
Nguồn Báo Hải quan