VietNamNet
Kiến nghị xây dựng luật PPP vì BOT
Các dự án BOT giao thông có chi phí quá đang là một bất cập, cụ thể là trạm thu phí BOT Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, được phản ánh tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cuối kỳ năm 2017, ngày 12.12.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, ông Nguyễn Ngọc Đông thừa nhận “việc xác định thời gian thu phí, mức phí giao thông khi đưa dự án BOT vào hoạt động không được giám sát chặt chẽ, dẫn tới tình trạng phí cầu đường quá cao ở một số tuyến giao thông trọng điểm, làm tăng chi phí của doanh nghiệp”.
Chính phủ Việt Nam đã thực hiện một chiến dịch nghiêm túc để cắt giảm chi phí kinh doanh cho các công ty Việt Nam bằng cách cùng lúc tiếp cận với các đối tượng, bao gồm doanh nghiệp, chuyên gia và khối nhà nước.
Bà Natasha Ansell, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) ghi nhận Việt Nam là thị trường tiềm năng. Tuy nhiên, những “cơ hội đầu tư thường không trở thành hiện thực” do những vướng mắc khi phải đối mặt với nạn tham nhũng, một môi trường thể chế với quy trình cấp phép rườm rà, nhiều hạn chế, thiếu rõ ràng, bà Natasha Ansell nói.
Chất lượng môi trường hoạt động kinh doanh của Việt Nam cũng như chất lượng cuộc sống của người dân dựa vào cơ sở hạ tầng thân thiện với môi trường và đáng tin cậy. Bà Natasha Ansell khẳng định, thu hút vốn tư nhân đang là nhu cầu cấp bách của Việt Nam, nhưng ở một số lĩnh vực của Việt Nam chưa mở cửa để thu hút vốn tư nhân do vẫn chú trọng vào khu vực công và doanh nghiệp nhà nước.
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị, Bộ Giao thông Vận tải và các bộ ngành liên quan phải có quy định bắt buộc đầu thầu cạnh tranh đối với các dự án BOT nhằm lựa chọn nhà đầu tư có mức chi phí và thời gian thu phí thấp nhất. VCCI cũng đề nghị tăng cường các biện pháp đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động đấu thầu và giám sát thực hiện dự án cũng như thu phí.
Hiện đại hóa và số hóa ngành giao thông ngày càng trở nên quan trọng ở Việt Nam để bắt kịp cách mạng 4.0. Vận tải và hậu cần hiệu quả đóng vai trò quan trọng giúp Việt Nam nâng cao năng suất, cải thiện vị thế nhằm tối đa hóa lợi ích từ nhu cầu thế giới, phục vụ thị trường nội địa, thu hút đầu tư nước ngoài và tạo thêm việc làm chất lượng cao.
Tổng giám đốc Mitsubishi Corporation Việt Nam, ông Tetsu Funayama, nói với NCĐT bên lề VBF, về “nút thắt” thủ tục đầu tư vào hạ tầng tại Việt Nam. Ông nói “làm các thủ tục mất rất nhiều thời gian” và dẫn chứng thủ tục đấu thầu tại Dự án Sân bay Long Thành như một ví dụ mới nhất.
Điều này, Tổng giám đốc Mitsubishi Corporation Việt Nam, cho là “không hay” đối với các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.
Lý do được ông Tetsu Funayama đề cập là “cả hai bên đều có vấn đề”. Theo ông, BOT là hình thức rất mới tại Việt Nam nên pháp luật chưa theo kịp. Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư lại muốn phía Việt Nam phải "biết hết” mà điều đó là “rất khó”.
Làm thế nào để để thực hiện đầu tư vào các dự án BOT nhanh hơn nữa? Ông Tetsu Funayama cho rằng cả "hai bên phải cùng xử lý". Phía Chính phủ Việt Nam phải tiếp tục thảo luận để có được hành lang pháp lý phù hợp cho vấn đề này, theo ông Tetsu Funayama.
Phát triển hạ tầng chất lượng cao sẽ rất tốn kém. Các hiệp hội doanh nghiệp tại Việt Nam đều cho rằng cần có sự tham gia nhiều hơn nữa của khu vực kinh tế tư nhân vào phát triển hạ tầng. Thế nhưng, đầu tư tư nhân lại thường phụ thuộc vào sự bảo đảm của Chính phủ, vì thế phụ thuộc vào tính cân đối vững chắc về tài chính của Chính phủ.
Tại VBF kỳ này, ông Nguyễn Ngọc Đông nói đã “đồng ý” với nhận định của cộng đồng doanh nghiệp rằng luật pháp và cơ chế hiện hành của Việt Nam chưa đồng bộ, chưa hấp dẫn. Ông cho biết Bộ Giao thông Vận tải đang kiến nghị xây dựng luật về PPP để có thêm hành lang pháp lý trong việc chia sẻ rủi ro giữa Chính phủ và khu vực tư nhân.