Ảnh: Quý Hòa
Kiến nghị tăng thuế xăng dầu: Vấn đề ở sự minh bạch, trách nhiệm giải trình
Tất cả đều nằm trong danh sách mà Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế suất, trong đó thuế môi trường có thể tăng lên mức kịch khung, 4.000 đồng/4.000 đồng/lít với xăng và 2.000 đồng/lít với dầu, thời hạn bắt đầu từ 1.7
Nếu Tờ trình dự thảo Biểu thuế bảo vệ môi trường của Bộ Tài chính được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận, ước tính mỗi năm ngân sách sẽ có 55.000 tỉ đồng, tăng 14.368 tỉ so với mức cũ.
Phần lớn không ủng hộ
Thời điểm đầu năm 2018, Bộ Tài chính từng đề xuất tăng thuế môi trường lên xăng dầu. Nhưng việc thêm 1000 đồng/lít xăng, có thể đem lại hơn 15 nghìn tỷ đồng, đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều và phần lớn không ủng hộ.
Tâm điểm của việc tăng thuế là người dân cảm thấy không công bằng. Nhưng thực tế, Bộ Tài chính vẫn đề xuất tăng thuế xăng dầu lên mức kịch khung mà không cần sự đồng thuận của dư luận.
Ở đây, vấn đề là “tính minh bạch và trách nhiệm giải trình”, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận xét.
Giai đoạn 2012-2017, tổng số thu từ thuế bảo vệ môi trường khoảng trên 150.000 tỷ đồng, bình quân hơn 25.000 tỷ đồng mỗi năm. Nhưng bà Lan cho rằng, Bộ Tài chính không chứng minh được môi trường được bảo vệ và cải thiện như thế nào từ chính tiền thuế đó.
Trường hợp ngân sách cần tăng thêm, theo bà Lan, Bộ Tài chính cũng cần nói rõ trong lần tăng thuế này, sẽ dành bao nhiêu để cải thiện môi trường, dành bao nhiêu để bù đắp cho phần hụt thu khác.
Một điểm nữa, Bộ Tài chính cũng cần giải trình: Ai được hưởng lợi từ việc tăng thuế này, bà Lan đặt vấn đề.
Nguyên Phó chủ tịch VCCI cho biết, thường là nhóm doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu được lợi rất lớn từ việc thu thêm thuế, như một người có công “thu hộ” Nhà nước. Bà nói “phải xem phần lợi đó có chính đáng không ?”.
Tất cả những vấn đề này, bà Lan nói “nếu chứng minh được là tăng thuế để phục vụ lại cho người dân, tôi nghĩ người dân sẽ yên tâm hơn và không phản đối việc tăng thuế”.
Xu hướng tất yếu
Những phản ứng của dư luận có thể không gây ra quá nhiều áp lực đối với Bộ Tài chính. Nhưng thuế môi trường đánh lên xăng dầu, một trong bốn sắc thuế thuộc nhóm thuế tiêu dùng, chiếm 50% tổng thu ngân sách nhà nước, vẫn được Bộ Tài chính tin rằng có thể giúp bù đắp cho sự thiếu hụt ngân sách ngày càng nghiêm trọng.
Đưa mức thuế xăng lên dầu kịch khung có khả năng làm tổn hại người tiêu dùng, tác động lên lạm phát và nền kinh tế. Quý 1, giá xăng dầu bình quân đã tăng 9,18% so với cùng kỳ, đóng góp 0,38% vào mức tăng CPI chung, theo Tổng cục Thống kê.
Thế nhưng, TS Phan Hữu Nghị từ Viện Ngân hàng - Tài chính thuộc Đại học kinh tế Quốc dân, nói rằng: “tăng thuế là xu hướng tất yếu”. Theo ông, tính bền vững ngân sách nhà nước có xu hướng giảm, nếu xét cơ cấu giữa thu và chi thường xuyên.
Về nguyên tắc, thu thường xuyên ngân sách nhà nước phải lớn hơn chi thường xuyên. Nhưng, những năm qua, chi thường xuyên đã lớn gần bằng thu thường xuyên. Thậm chí, sang năm 2018, tình hình không thay đổi.
Tổng cục Thống kê ước tính, từ đầu năm đến ngày 15.3, trong khi tổng thu ngân sách nhà nước đạt 232,2 nghìn tỷ đồng thì tổng chi ngân sách nhà nước đã lên tới 225,9 nghìn tỷ đồng, trong đó chi thường xuyên là 183 nghìn tỷ đồng.
Điều then chốt là ngân sách nhà nước trước sức ép tăng chi tiêu, theo TS Nghị, Bộ Tài chính đã chọn một giải pháp ngắn hạn là tăng thuế môi trường đối với xăng dầu, một trong những loại thuế có nguồn thu lớn nhất, dễ tăng nhất, ít gặp phản ứng nhất.
Thực ra, không riêng Việt Nam, các nước đang phát triển cũng luôn tập trung vào thuế gián thu thay vì thuế trực thu. Nhưng TS Nghị cho rằng, thuế môi trường có thể tăng từ 1000-2000 đồng/lít xăng theo lộ trình và có tính đến mặt bằng giá cả của giai đoạn dự định tăng thuế.