Kiến nghị nới điều kiện mua nợ xấu của VAMC
Về quy định này, tại buổi góp ý về dự thảo Thông tư mua bán nợ của VAMC diễn ra sáng nay (26/6), đại diện một số ngân hàng đều cho rằng tỷ lệ 65% này là khó đạt được và đề nghị giảm tỷ lệ này xuống.
Theo đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), với ngân hàng này, các khoản vay có 65% tài sản đảm bảo bằng bất động sản thì chỉ có ở những đơn vị kinh doanh bất động sản. Còn đối với những đơn vị kinh doanh sản xuất vốn rất tiết kiệm trong mua đất mà chủ yếu dành tiền đầu tư nhà xưởng máy móc thì tỷ lệ này rất nhỏ.
Chia sẻ thêm, bà Nguyễn Thị Kim Oanh – Phó phòng công nợ Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, qua thống kê, tỷ lệ này bên Vietcombank chỉ từ 50-60% nên bà cho rằng con số 65% không khả thi. Do đó, Vietcombank đề xuất cơ quan quản lý xem xét đưa tỷ lệ về mức không dưới 40% để các tổ chức tín dụng bán được nợ cho VAMC nhiều hơn.
Trong khi đó, ông Bùi Minh Khải, Giám đốc Ban Pháp chế Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng đặt câu hỏi về việc dường như các điều kiện trong Nghị định 53 và Thông tư hướng dẫn càng ngày càng chặt chẽ sẽ làm ảnh hưởng tới mục tiêu bán nợ cho VAMC của các tổ chức tín dụng.
Ông Khải cho rằng, với tỷ lệ 65% còn phát sinh vấn đề là giá trị tài sản đảm bảo sẽ căn cứ vào đâu? VAMC chịu trách nhiệm định giá hay là do các tổ chức tín dụng đưa ra?
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Oanh khuyến nghị VAMC là cơ quan xác định nhưng phải thuê công ty tư vấn độc lập định giá.
Ngoài ra, tại hội thảo, đại diện các ngân hàng cũng kiến nghị điều chỉnh quy định về việc VAMC chỉ mua khoản nợ của cá nhân có giá trị trên 1 tỷ đồng; xem xét lại việc sau 3 năm xuất khoản nợ xấu ra ngoại bảng có phù hợp với quy định không; hay việc cho vay mới với các doanh nghiệp bán nợ xấu cho VAMC liệu có phát sinh rủi ro trong tương lai.
Nguồn Dân Việt