Kiến nghị niêm yết 1 tháng sau khi cổ phần hóa
Theo nhóm công tác, thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK) đã có những dấu hiệu hồi phục từ năm 2012 đến nay nhưng sự hồi phục này chưa được đặt trên một nền tảng bền vững. Nhìn chung sức khoẻ các doanh nghiệp niêm yết còn yếu, thanh khoản thị trường vẫn còn thấp, nhà đầu tư nước ngoài dù đang quan tâm trở lại với TTCK Việt Nam nhưng đa số vẫn còn đang quan sát và chờ cơ hội.
Đối với thị trường vốn, nhóm công tác đưa ra 5 nhóm kiến nghị chính.
Thứ nhất, Nhóm đề nghị Chính phủ cần tăng tốc chương trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thông qua việc xác định một lộ trình mới với các tiêu chí rõ ràng và thời gian biểu cụ thể.
"Hai ngành chủ lực cần cổ phần hóa trước mắt là viễn thông và ngân hàng. Chìa khóa để cổ phần hóa thành công là ĐỊNH GIÁ, và cách duy nhất để làm được điều này là thuê tư vấn độc lập (các ngân hàng đầu tư danh tiếng) có khả năng đứng ra định giá và chào bán cổ phần theo các tiêu chuẩn quốc tế. Định giá phát hành quá cao thường dẫn tới thất bại, hơn nữa cũng cần bán một tỉ lệ đáng kể để thị trường bảo đảm có thanh khoản", nhóm khuyến nghị.
Nhóm cũng khuyến nghị, cổ phần hóa phải được gắn với yêu cầu niêm yết bắt buộc trong vòng một tháng sau khi cổ phần hoá. Đồng thời, cần phải làm rõ vai trò của SCIC trên TTCK và đề nghị SCIC cũng phải tuân thủ các quy định về công bố thông tin như các chủ thể khác đang tham gia thị trường
Thứ hai, nhóm công tác cũng đề nghị cho phép nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu đến 100% cổ phần trong các công ty Việt Nam trong các lĩnh vực, ngành phù hợp với lộ trình cam kết WTO của Việt Nam.
Cần xây dựng một cơ chế để cho nhà đầu tư nước ngoài có thể giao dịch cổ phiếu trong các công ty hết “room” một cách thuận lợi, minh bạch. Bảng giao dịch riêng cho nhà đầu tư nước ngoài là một gợi ý.
Phát hành cổ phiếu không có quyền biểu quyết (non-voting shares) dành riêng cho nhà đầu tư nước ngoài. Mục đích của loại cổ phiếu này là cung cấp một công cụ đầu tư, cho phép nhà đầu tư nước ngoài có thể đầu tư và hưởng các quyền lợi tài chính (cổ tức, quyền mua cổ phiếu phát hành thêm…) trong các công ty nội địa nhưng đồng thời giới hạn họ không tham gia vào việc biểu quyết các vấn đề của công ty.
Thứ ba, về biên độ giao dịch, thanh khoản, nhóm đề xuất là quy định tạm dừng giao dịch trong vòng 30 phút khi có biến động giá lên (xuống) chạm mức trần (sàn) của biên độ giao dịch 7%-10% trên hai sàn hiện nay. Sau thời gian tạm dừng giao dịch 30 phút thì cổ phiếu sẽ tiếp tục được giao dịch với mức giá tham chiếu mới (là mức giá trần hoặc sàn trước khi tạm ngừng giao dịch). Tạm dừng giao dịch theo cách này sẽ giúp tái lập sự ổn định cho thị trường đồng thời giảm bớt sự hạn chế của quy định tỉ lệ biên độ giao dịch hiện hành.
UBCK cần nghiên cứu cho phép thực hiện giao dịch T+0, T+1 nhằm tăng sự lưu thông giữa tiền và hàng hoá, nâng cao thanh khoản của thị trường.
Liên quan đến vấn đề thanh toán bù trừ, theo nhóm công tác, hiện nay, ngân hàng BIDV đang được chỉ định là ngân hàng thanh toán giao dịch trên TTCK. Tuy nhiên, BIDV là một ngân hàng thương mại đồng thời các các giao dịch thông qua BIDV cũng không được bảo hiểm. Do đó, nhóm đề nghị chuyển vai trò ngân hàng thanh toán cho Ngân hàng Nhà nước.
Tái cấu trúc công ty chứng khoán, nhóm khuyến nghị cần đẩy mạnh việc tái cấu trúc, mua bán sáp nhập các công ty chứng khoán nhằm giảm số lượng công ty chứng khoán, nâng cao chất lượng và năng lực tài chính của CTCK, lành mạnh hóa thị trường. UBCK cần kiểm tra và giám sát nhằm đảm bảo quy định về quản lý tách bạch tài sản của nhà đầu tư và tài sản của CTCK phải được tuân thủ nghiêm túc.
Thứ tư, về quản trị doanh nghiệp, nhóm đề nghị UBCK cần tăng cường kiểm tra, giám sát và xử phạt nghiêm khắc những vi phạm nhằm nâng cao ý thức tuân thủ của các thành viên thị trường.
Thứ năm, về các vấn đề về quy định kế toán và thuế, nhóm kiến nghị xem xét lại quy định thuế đối với thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng vốn, cổ phần trong công ty đại chúng (mức thuế áp dụng là 0,1% trên giá trị chuyển nhượng) và trong công ty cổ phần không phải là công ty đại chúng (mức thuế áp dụng là 25% trên thu nhập chuyển nhượng vốn đối với bên chuyển nhượng là công ty nước ngoài, hoặc 25% trên lợi nhuận năm đối với bên chuyển nhượng là công ty trong nước).
"Mức thuế suất chênh lệch này tạo ra sự bất bình đẳng giữa hai loại hình doanh nghiệp, hạn chế việc đầu tư vào loại hình doanh nghiệp tư nhân. Nhóm đã nêu vấn đề này trong những cuộc họp gần đây với Bộ Tài chính/Ủy ban Chứng khoán và cũng đã nhận được sự ủng hộ từ phía cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, quy định trên vẫn chưa được điều chỉnh trên thực tế", ông Dominic Scriven cho biết.
Nguồn Dân Việt