Kiến nghị những giải pháp mới về tạm trữ lúa gạo
Theo chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đãchủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan và Hiệp hội Lương thựcViệt Nam nghiên cứu xây dựng quy chế và phương thức mua tạm trữ.
Cụ thể sẽ mua tạm trữ theo hướng phân bổ chỉ tiêu mua tạm trữ thóc, gạo qua Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, bảo đảm hỗ trợ trực tiếp cho người nông dân trồng lúa, có tính khả thi và đáp ứng yêu cầu quản lý.
Theo đề án của quy chế mua tạm trữ thóc gạo, khối lượng và thời điểm tạm trữ sẽ như sau: Đối với vụ Đông Xuân, khối lượng tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo được triển khai vào tháng 2 và tháng 3 hàng năm. Đối với vụ Hè Thu, khối lượng tạm trữ từ 1-1,5 triệu tấn quy gạo được triển khai vào các tháng 7, 8, 9 hàng năm. Thời gian tạm trữ ba tháng kể từ thời điểm được vay vốn tạm trữ.
Có ba hình thức tạm trữ: hộ nông dân tạm trữ tại nhà, tại cơ sở sản xuất của mình nhưng thấp nhất 5 tấn/hộ; doanh nghiệp mua trực tiếp của nông dân; hộ nông dân tạm trữ thóc tại kho doanh nghiệp có cánh đồng mẫu lớn hoặc các doanh nghiệp kinh doanh thóc gạo được Hiệp hội Lương thực Việt Nam, sở công thương các tỉnh chỉ định theo cách thức doanh nghiệp ký hợp đồng cho nông dân thuê kho tạm trữ hoặc doanh nghiệp ký hợp đồng nhận tạm trữ và mua thóc gạo của nông dân theo giá tạm tính.
Điều kiện để được hỗ trợ tạm trữ là chất lượng thóc tạm trữ phải được sấy khô, quạt sạch đạt độ ẩm tối đa nhỏ hơn hoặc bằng13,8%, tạp chất nhỏ hơn hoặc bằng 2%, kho của doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn quy định.
Để được hưởng chính sách tạm trữ, nông dân, doanh nghiệp phải dùng tài sản thế chấp ngân hàng kèm theo thủ tục nông dân tạm trữ tại nhà phải có phiếu xác nhận của chính quyền địa phương cấp xã; nông dân tạm trữ tại kho doanh nghiệp phải có phiếu xác nhận của doanh nghiệp; doanh nghiệp tạm trữ phải có hợp đồng mua thóc gạo trực tiếp với nông dân và có xác nhận của địa phương.
Đề án cũng đưa ra cơ chế hỗ trợ tài chính của Nhà nước khi tạm trữ là nông dân và doanh nghiệp được vay 100% vốn của số lượng thóc tạm trữ với đơn giá bình quân chung cho toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long do Bộ Tài chính quy định từng thời kỳ; Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất vay ngân hàng cho hộ nông dân, doanh nghiệp tạm trữ.
Theo ông Phạm Văn Bảy, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tạm trữ chiếm phần nhỏ trong tổng lượng lúa hàng hóa. Thị trường lúa gạo Việt Nam phụ thuộc nhiều vào thị trường lúa gạo trên thế giới. Bởi thế, giá lúa mà doanh nghiệp mua sẽ phụ thuộc lớn vào việc có xuất khẩu được không và xuất khẩu với giá nào.
Góp ý kiến cho đề án, ông Bảy cho rằng, mô hình doanh nghiệp cho dân gửi lúa tạm trữ trong kho vẫn còn quá mới với Việt Nam cần xem xét kỹ thêm.
Nhiều đại biểu cũng cho rằng khi giá thóc xuống dưới giá thành thì tự động áp dụng cơ chế này. Nhưng khi giá lúa cao, người nông dân đã đạt lợi nhuận tối thiểu 30% thì cũng không cần thu mua tạm trữ. Như vậy, Nhà nước cần có thông tin về thị trường cho người nông dân.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng mô hình cánh đồng mẫu lớn đã có sự tham gia tự giác giữa doanh nghiệp và nông dân nên không nên “áp đạt” chỉ tiêu thu mua hay hình thức thu mua. Đề án sẽ tiếp tục được tiến hành lấy ý kiến tiếp tại các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long.
Nguồn Vietnam+