Thứ Sáu | 06/07/2012 11:06

Kiến nghị giảm hỗ trợ vốn từ ngân hàng mẹ cho Agriseco

Sự nới tay trong kiểm soát luồng vốn từ ngân hàng mẹ chảy vào công ty chứng khoán là công ty con, gây nên những rủi ro đáng ngại.
Kết quả thanh, kiểm tra một số công ty chứng khoán (CTCK) thuộc khối ngân hàng cho thấy, có sự nới tay trong kiểm soát luồng vốn từ ngân hàng mẹ chảy vào CTCK là công ty con, gây nên những rủi ro đáng ngại. Ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) trả lời phỏng vấn về vấn đề này trên báo Đầu tư chứng khoán.

Được biết, UBCK vừa kết thúc quá trình thanh, kiểm tra một số CTCK thuộc khối ngân hàng, nhằm làm rõ rủi ro của luồng vốn từ ngân hàng mẹ chảy vào CTCK là công ty con. Kết quả kiểm tra có gì bất thường, thưa ông?

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, UBCK đã tiến hành kiểm tra, thanh tra các công CTCK thuộc khối ngân hàng. Theo đó, từ cuối năm ngoái, UBCK đã tiến hành kiểm tra tại CTCK Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agriseco). Chi tiết kết quả kiểm tra đã được UBCK tổng hợp báo cáo Chính phủ. Theo kết quả kiểm tra, thì có sự hỗ trợ vốn nhất định từ ngân hàng mẹ là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cho Agriseco.

Thưa ông, từ kết quả kiểm tra này, UBCK có kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước áp dụng những biện pháp chấn chỉnh nào, để không tái diễn tình trạng tương tự trong tương lai?

Trên cơ sở kết quả kiểm tra, lãnh đạo Bộ Tài chính đã ký công văn kiến nghị Chính phủ xem xét khả năng phải thu hồi số vốn này về ngân hàng mẹ, đồng thời giảm bớt sự hỗ trợ vốn từ ngân hàng mẹ cho Agriseco. Đây là biện pháp quan trọng nhằm tránh tình trạng dòng vốn từ ngân hàng mẹ chảy vào CTCK là công ty con không được kiểm soát chặt chẽ và thận trọng, dễ dẫn tới những rủi ro khó lường cho cả ngân hàng, CTCK và thị trường chứng khoán.

Được biết, UBCK cũng vừa kết thúc việc thanh, kiểm tra tại 2 CTCK khác cũng thuộc khối ngân hàng là CTCK Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBankSc) và CTCK Ngân hàng đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC). Kết quả kiểm tra có xuất hiện tình trạng đáng ngại không, thưa ông?

Kết quả thanh, kiểm tra tại VietinBankSc có phần ngược lại tại Agriseco. Trong hoạt động, CTCK này áp dụng các biện pháp quản trị rủi ro, nhất là đối với nguồn vốn khá chặt chẽ và thận trọng. Đáng chú ý, tại VietinBankSc hầu như không có nguồn vốn hỗ trợ từ ngân hàng mẹ, nên rủi ro quản lý vốn không như Agriseco.

Riêng trường hợp BSC, do UBCK vừa kết thúc quá trình thanh, kiểm tra, nên đang trong quá trình tổng hợp kết quả chi tiết, để báo cáo cấp có thẩm quyền.

Qua thực tế các đợt kiểm tra, phải chăng đang có sự lúng túng trong quản lý vốn tại các CTCK, nhất là CTCK khối ngân hàng, thưa ông?

Có một thực tế đang gây khó khăn cho hoạt động quản lý dòng vốn từ ngân hàng mẹ chảy vào các CTCK là công ty con, cũng như các CTCK khác nói chung, là tình trạng đan xen luồng vốn giữa các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm khá phức  tạp. Thêm vào đó, sự lưu chuyển luồng vốn giữa 3 lĩnh vực này thường xuyên diễn ra, nên càng gây khó khăn cho công tác quản lý. Hiện tại, nguồn vốn chủ sở hữu của tất cả các CTCK khoảng 36 nghìn tỷ đồng, tổng tài sản khoảng 100 nghìn tỷ đồng. Cùng với công ty quản lý quỹ, rõ ràng các CTCK đang quản lý một lượng vốn khá lớn. Bởi vậy, nếu không có biện pháp quản lý, giám sát hiệu quả, thì tiềm ẩn không ít rủi ro cho thị trường, cho nhà đầu tư.

Trên cơ sở kết quả thanh, kiểm tra như vừa đề cập, UBCK có tính đến những biện pháp giám sát căn cơ hơn, nhằm minh bạch luồng vốn từ các ngân hàng “bơm” vào các CTCK là công ty con, để giảm thiểu rủi ro hệ thống?

Để từng bước khắc phục khó khăn trên, UBCK đang phối hợp với Ngân hàng Nhà nước rà soát kĩ luồng vốn chảy từ ngân hàng vào chứng khoán, bảo hiểm và ngược lại, để có bức tranh rõ ràng và xác thực hơn. Trên cơ sở đó, khẩn trương đưa ra các giải pháp quản lý hữu hiệu, tránh tình trạng để luồng vốn từ ngân hàng chảy vào chứng khoán không được kiểm soát và giám sát chặt chẽ, gây ra những rủi ro hệ thống.

Riêng với khối CTCK, trong năm 2012 – 2013, UBCK tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, để buộc khối CTCK nâng cao hoạt động quản trị rủi ro, gia tăng sức khỏe tài chính, trên cơ sở đó giảm thiểu rủi ro trong hoạt động. Đặc biệt, theo quy định tại Thông tư 52/2012/TT-BTC, bắt đầu từ năm nay, các CTCK lần đầu tiên phải kiểm toán tỷ lệ vốn khả dụng và công bố cùng với báo cáo tài chính soát xét bán niên và báo cáo tài chính năm.

Nguồn Đầu tư chứng khoán


Sự kiện