Kiến nghị đấu thầu đường nhập khẩu của HAGL
Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) đề nghị áp dụng cơ chế đấu thầu lượng hạn ngạch 50.000 tấn đường của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) sản xuất tại Lào giống như cơ chế sẽ áp dụng cho đường nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan năm 2015.
Cũng theo VSSA, Công ty trách nhiệm hữu hạn Mía đường Hoàng Anh Attapeu là doanh nghiệp Lào, sản xuất kinh doanh theo chính sách của Lào, nên nếu nhập khẩu vào Việt Nam phải tính trong hạn ngạch thuế quan năm 2015 và là hàng nhập khẩu thực sự. Tuy nhiên, do quan hệ đặc biệt giữa 2 nước, Việt Nam giảm thuế còn 2,5% đối với lượng đường này.
Trước đó, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 08/2015/TT-BCT quy định việc nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan năm 2015 mặt hàng đường có xuất xứ từ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân (CHDCND) Lào với thuế suất thuế nhập khẩu trong hạn ngạch 2,5%.
Theo đó, lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường (mã HS 1701) năm 2015 có xuất xứ từ CHDCND Lào là 50.000 tấn. Thương nhân nhập khẩu đường từ Công ty trách nhiệm hữu hạn Mía đường Hoàng Anh Attapeu (Lào) sản xuất tại Lào và có giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu S do cơ quan có thẩm quyền của CHDCND Lào cấp theo quy định được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu 2,5%.
Được biết, năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép nhập 30.000 tấn đường của HAGL sản xuất từ Lào vào Việt Nam và cho phép Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa (Đồng Nai) được nhập khẩu lượng đường này về tinh luyện và xuất khẩu toàn bộ sản phẩm qua cửa khẩu phụ Bản Vược, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Nhưng một đại diện của VSSA chia sẻ với phóng viên Báo Hải quan, việc nhập khẩu lượng đường này thực tế trong năm 2014 vẫn không được thực hiện.
Về cơ chế điều hành nhập khẩu đường theo hạn ngạch thuế quan năm 2015, sau nhiều năm VSSA kiến nghị, Bộ Công Thương đã đồng ý cho đấu thầu đường nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan thay vì phân bổ như mọi năm.
Tuy nhiên, cho đến nay, cơ chế đấu thầu như thế nào vẫn chưa được phê duyệt. Hiện VSSA đang chờ để tham gia ý kiến về phương thức đấu thầu nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan.
Phía VSSA cũng đã có góp ý gửi Bộ Công Thương, cơ chế đấu thầu nên theo hai hình thức gồm đấu thầu rộng rãi và có chọn lọc.
Ở phương pháp áp dụng thầu rộng rãi, VSSA kiến nghị nhà nước cho phép nhập khẩu 100% đường thô và không giới hạn đối tượng tham gia đấu thầu. Việc đấu thầu hạn ngạch hằng năm sẽ có mức phí cam kết nộp vào ngân sách Nhà nước, đối tượng nào cam kết nộp phí cao hơn thì sẽ trúng thầu. Sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ nộp phí, đơn vị tham giá thầu sẽ được cấp quota nhập khẩu theo số lượng đã cam kết và chủ động chọn nhà cung cấp, nhập khẩu, phân phối…
Hướng thứ hai là đấu thầu có chọn lọc. Đại diện cộng đồng doanh nghiệp mía đường cho rằng số hạn ngạch hằng năm nên được thông báo rộng rãi, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng trong tháng đầu tiên của năm đó. Thời điểm thích hợp nhất để lượng đường nhập khẩu trong hạn ngạch được thông quan theo cơ quan này bắt đầu từ 1-8 hằng năm. Sau khi Hội đồng điều hành duyệt kế hoạch nhập khẩu thì công bố hồ sơ mời thầu quốc tế để chọn nhà cung cấp và tiếp tục đấu thầu phí dự trữ.
Nguồn Báo Hải quan