Kiến nghị chứng chỉ quỹ ETF được cầm cố ngay khi niêm yết
Năm 2014, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến sự ra đời của 2 quỹ hoán đổi chỉ số (ETF) là VFMVN30 của Công ty quản lý quỹ Đầu tư Việt Nam (VFM) mô phỏng chỉ số VN30 và SSIAM HNX30 của Công ty quản lý quỹ Sài Gòn (SSIAM) mô phỏng chỉ số HNX30.
Hai quỹ ETF được thị trường kỳ vọng sẽ thu hút được dòng vốn của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài do trong danh mục bao gồm các cổ phiếu đã hết room, nhưng trên thực tế, khối lượng và giá trị giao dịch hàng ngày trung bình chỉ vài chục ngàn chứng chỉ quỹ. Việc huy động vốn cũng chỉ dừng lại con số trên 200 tỷ đồng cho quỹ VFMVN30 và trên 100 tỷ đồng cho quỹ SSIAM HNX30.
Tại Hội nghị phát triển thị trường chứng khoán năm 2015, các đơn vị vận hành quỹ ETF đã đưa ra nhiều kiến nghị để tăng tính thanh khoản cũng như thu hút được dòng vốn ngoại vào loại hình quỹ tuy mới mở ở Việt Nam nhưng đang thịnh hành trên thế giới.
Theo ông Trần Thanh Tân - Chủ tịch Câu lạc bộ Quản lý quỹ, đồng thời cũng là Tổng giám đốc VFM, thì nếu đưa vào vận hành được thị trường chứng khoán phái sinh sẽ giúp cho các quỹ ETF huy động được vốn tốt hơn.
"Khi nhà đầu tư nước ngoài bỏ tiền vào các quỹ ETF thì họ sẽ bỏ theo đơn vị chục triệu USD chứ không phải đơn vị tỷ đồng. Nhưng vì vấn đề thanh khoản, vấn đề có thể sẵn sàng đảm bảo rủi ro cho danh mục đầu tư thì nhà đầu tư nước ngoài mới tham gia vào", ông Tân nói.
Về vấn đề này, Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng cho biết, dự kiến nghị định về thị trường chứng khoán phái sinh sẽ được ban hành trong quý I/2015.
Ngoài ra, Câu lạc bộ Quản lý quỹ cũng đưa ra hàng loạt kiến nghị để tăng cường thanh khoản cho chứng chỉ quỹ (ccq) ETF. Đó là, cho phép thế chấp ccq để vay tiền sau khi niêm yết ccq. Bởi lẽ, danh mục đầu tư của quỹ ETF luôn bao gồm các cổ phiếu tốt (nằm trong danh mục chỉ số, thanh khoản cao và đang được nằm trong danh sách các cổ phiếu được thế chấp) nên việc áp dụng 6 tháng hạn chế không thế chấp là không cần thiết.
Thứ 2, không áp dụng phí niêm yết bổ sung đối với quỹ ETF vì hoạt động giao dịch hoán đổi diễn ra thường xuyên nên nếu áp dụng phí niêm yết bổ sung thì ETF sẽ chịu chi phí nhiều.
Liên quan đến các loại phí, SSIAM cũng có kiến nghị xem xét ban hành một số ưu đãi về thuế, tiếp tục hỗ trợ giảm hoặc miễn các loại phí liên quan đến hoạt động của quỹ ETF như ngoài phí niêm yết, lưu ký bổ sung còn là phí đại lý chuyển nhượng, phí quản lý, vận hành chỉ số tham chiếu...
Thứ 3, Câu lạc bộ Quản lý quỹ cho rằng quy định thành viên lập quỹ (AP - ở Việt Nam hiện nay là các công ty chứng khoán) khi thực hiện các giao dịch ETF phải công bố thông tin là không phù hợp vì hạn chế thực hiện vai trò AP trong giao dịch.
SSIAM cũng chung quan điểm là việc hoàn thiện quy chế công bố thông tin cho quỹ ETF theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho các AP và các nhà đầu tư lớn giao dịch ccq.
Thứ 3, kiến nghị đẩy nhanh quy trình TA trong giao dịch hoán đổi và niêm yết ccq để buổi chiều T+2 nhà đầu tư, AP có thể giao dịch mua bán ETF hoặc chứng khoán trên sàn sau khi thực hiện lệnh giao dịch hoán đổi ngày T.
Thứ 4, xem xét mở rộng cơ chế vay và cho vay khả thi trong giao dịch hoán đổi ccq ETF. Những khó khăn trong cơ chế vay và cho vay hiện tại vì số lượng mã chứng khoán vay là lớn, hoặc đối tượng đáp ứng cho vay một khối lượng lớn ccq ETF cho giao dịch hoán đổi là ít. Vì thế, xem xét cơ chế cho phép công ty quản lý quỹ, CTCK được sử dụng tài sản của công ty để cho vay với mục đích hoán đổi ccq ETF bất kể là người có liên quan hay không.
Ngoài ra, SSIAM còn kiến nghị việc xây dựng bộ chỉ số chung cho cả HSX và HNX cũng như sử dụng các chỉ số được vận hành bởi các tổ chức uy tín nước ngoài.
Nguồn DVO