Thứ Sáu | 26/10/2012 17:49

Kiến nghị bổ sung quy định siết kinh doanh tạm nhập - tái xuất

Theo đó, kiến nghị mở rộng điều chỉnh mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, quy định chặt hơn về thủ tục tạm nhập, tờ khai hải quan...
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, hiện nay, Tổng cục Hải quan đang xây dựng và hoàn thiện dự thảo về quy trình nghiệp vụ giám sát, quản lý hải quan trong suốt quá trình tạm nhập, vận chuyển trên đường, lưu giữ trong nội địa, cho đến khi tái xuất và thực hiện thanh khoản hồ sơ đối với hoạt động tạm nhập - tái xuất.

Theo Phó cục trưởng Cục Quản lý giám sát về hải quan, Tổng cục Hải quan Âu Anh Tuấn cho biết, đơn vị đang kiến nghị bổ sung những nội dung liên quan đến kinh doanh tạm nhập - tái xuất được quy định trong các văn bản quy phạm thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ Tài chính, đặc biệt là Thông tư 194 năm 2010 của Bộ Tài chính, trên cơ sở Chỉ thị 23/CT-TT ngày 7/9/2012 của Chính phủ.

Thứ nhất, kiến nghị mở rộng điều chỉnh mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (10 mặt hàng theo quy định tại Luật thuế tiêu thụ đặc biệt) so với Chỉ thị 23 Chính phủ chỉ quy định 4 mặt hàng phải chịu thuế (rượu, bia, thuốc lá điếu, xì gà).

Thứ hai, quy định chặt chẽ hơn về thủ tục tạm nhập. Doanh nghiệp phải đăng ký cửa khẩu tạm nhập trên tờ khai hải quan và nộp 1 bản sao hợp đồng xuất khẩu; nộp 1 bản sao vận đơn đích danh ghi rõ họ, tên người nhận hàng và không được chuyển nhượng, đồng thời có ghi số giấy phép do Bộ Công Thương cấp.
Thứ ba, đề xuất những quy định cụ thể về thủ tục tái xuất; thời hạn lưu giữ hàng tạm nhập - tái xuất… Quy định thời hạn lưu giữ và thời gian gia hạn đối với các mặt hàng theo Chỉ thị 23/CT-TT là không quá 45 ngày từ ngày hàng đến cửa khẩu Việt Nam và chỉ được gia hạn 1 lần, không quá 15 ngày.

Thứ tư, quản lý chặt hơn đối với tạm nhập - tái xuất so với trước đây. Hàng hóa tạm nhập - tái xuất phải được lưu giữ trong khu vực cửa khẩu hoặc cảng nội địa, kho ngoại quan…; trong phạm vi quản lý, giám sát của lực lượng hải quan (hiện nay doanh nghiệp được đưa hàng về kho hàng của doanh nghiệp).
Thứ năm, “siết” chặt quy định thanh khoản tờ khai tạm nhập. Quá thời hạn quy định, nếu doanh nghiệp chưa nộp hồ sơ thanh khoản, cơ quan hải quan sẽ thực hiện xử phạt, ấn định thuế và dừng làm thủ tục các lô hàng tiếp theo. Điểm mới so với trước đây là, quy định định kỳ hàng tháng doanh nghiệp phải báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh tạm nhập - tái xuất, chuyển tiêu thụ nội địa, thanh khoản tới Tổng cục Hải quan.

Khó khăn không nhỏ trong quản lý là quá trình hàng hóa lưu thông từ cửa khẩu tạm nhập - tái xuất, dễ phát sinh tiêu cực, vận chuyển không đúng tuyến, đánh tráo hàng, thẩm lậu hàng hóa vào nội địa. Để ngăn chặn sơ hở này, ông Âu Anh Tuấn cho hay, hiện nay, đề án “Seal điện tử” đã được Tổng cục Hải quan phê duyệt và đang trong quá trình triển khai.

Mỗi container hay lô hàng bên cạnh việc niêm phong của cơ quan hải quan, sẽ được gắn thiết bị thu phát sóng vệ tinh. Thông qua thiết bị này, cơ quan hải quan sẽ kiểm soát được lộ trình của từng lô hàng, container từ cửa khẩu tạm nhập cho đến tái xuất.

Dự kiến phương pháp này sẽ được triển khai thí điểm từ đầu năm 2013 đối với loại hình tạm nhập - tái xuất, sau đó sẽ nhân rộng cách quản lý, giám sát này đối với tất cả các loại hàng hóa xuất nhập khẩu.

Nguồn Bộ Tài chính


Sự kiện