Thứ Ba | 06/11/2012 07:38

Kiên Giang muốn Phú Quốc thành đặc khu hành chính - kinh tế

Tỉnh kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách ưu đãi đầu tư cho Phú Quốc về thuế, nhà ở, đất ở và tài chính.
BND tỉnh Kiên Giang vừa đề xuất Chính phủ cho áp dụng các cơ chế đặc thù nhằm phát triển đảo Phú Quốc thành đặc khu hành chính - kinh tế trực thuộc Trung ương.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Kiên Giang, tổng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đầu tư cho các tuyến đường trục chính Nam – Bắc đảo, vòng quanh đảo, cầu Nguyễn Trung Trực và cảng An Thới lên tới 8.100 tỷ đồng. Đến hết năm 2012, mới bố trí được 1.578 tỷ đồng, do đó từ nay đến năm 2015 cần bố trí thêm ít nhất hơn 6.500 tỷ đồng nữa.

Trước mắt, tỉnh Kiên Giang kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương trình Chính phủ ưu tiên bố trí đủ vốn để sớm hoàn thành các tuyến vòng quanh đảo phía bờ Tây, trục chính Nam – Bắc đảo và cầu Nguyễn Trung Trực với tổng vốn 4.500 tỷ đồng.

Cũng theo báo cáo này, do thiếu vốn nên trong những năm vừa qua, việc đầu tư hạ tầng cho Phú Quốc khá chậm. Nguồn vốn năm sau phần lớn dành trả nợ khối lượng cho năm trước, phần đầu tư mới còn lại rất ít nên việc thiếu nợ các nhà thầu lập đi lập lại.

Do hạ tầng thiếu đồng bộ, chưa hoàn thiện, nên rất ít dự án kinh doanh, dịch vụ, du lịch… có giấy phép đầu tư được triển khai xây dựng, vì nhà đầu tư e ngại hiệu quả hoạt động thấp.

Cụ thể, trong giai đoạn 2005 – 2012, Phú Quốc đã thu hút được 219 dự án trong các khu quy hoạch với tổng diện tích 10.470 ha với số vốn hàng trăm nghìn tỷ đồng. Nhưng đến nay, mới chỉ có 9/219 dự án chính thức đi vào hoạt động trên diện tích 18,46 ha, vốn đầu tư chỉ đạt 713 tỷ đồng.

Không chỉ thiếu vốn, mà quá trình đầu tư phát triển đảo Phú Quốc vừa qua còn thiếu cơ chế phù hợp. Chính vì vậy, sau khi có Quyết định thành lập Tổ công tác nghiên cứu cơ chế, chính sách phát triển đảo Phú Quốc vừa được Thủ tướng Chính phủ thành lập, mới đây Tổ đã nhóm họp đề ra nhiệm vụ cho từng phân nhóm cụ thể.

Ông Lê Văn Thi – Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, Tổ phó Tổ công tác cho biết, sau cuộc làm việc của Tổ công tác vừa qua, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã hoàn chỉnh báo cáo trình Ban Thường vụ Tỉnh uỷ xem xét cho ý kiến 6 nội dung quan trọng nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đảo Phú Quốc.

Thứ nhất, là kiến nghị ban hành Nghị quyết chuyên đề của Bộ Chính trị về phát triển đảo Phú Quốc từ nay đến năm 2020. Trong đó bám sát mục tiêu đưa Phú Quốc trở thành đặc khu hành chính – kinh tế trực thuộc Trung ương vào năm 2020. Đồng thời, xác định Phú Quốc là một trong năm khu kinh tế được tập trung đầu tư phát triển từ nay đến đó.

Thứ hai, kiến nghị cho điều chỉnh quy hoạch phát triển các chuyên ngành: Giao thông, du lịch, cấp điện, thuỷ sản, thương mại, công nghiệp, thuỷ lợi, bưu chính – viễn thông, bảo vệ môi trường, xử lý nước thải tập trung… cho phù hợp với quy hoạch chung trên cơ sở đảm bảo phát huy tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên – xã hội tương ứng với từng thời kỳ phát triển của đảo.

Thứ ba, kiến nghị về nguồn vốn từ nay đến năm 2015 cần phải bổ sung khoảng 6.500 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu trên đảo Phú Quốc gồm trục chính Nam – Bắc và đường vòng quanh đảo. Ngoài ra Phú Quốc còn cần được đầu tư để xây dựng các tuyến đường nối trục Nam – Bắc đảo với đường vòng quanh đảo; xây dựng các khu tái định cư…

Thứ tư, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành xúc tiến thủ tục thực hiện các dự án lớn đã có định hướng như: Khu phức hợp khách sạn, vui chơi giải trí có hoạt động kinh doanh casino; Trung tâm thể thao quốc tế, Trường đua…
Thứ năm, kiến nghị về tăng cường tổ chức bộ máy phục vụ quá trình chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của Phú Quốc. Cụ thể đề nghị Chính phủ cho Phú Quốc được hưởng cơ chế hỗ trợ vốn từ Trung ương như các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế.

Tăng cường biên chế 1,5 lần cho các phòng chuyên môn thuộc UBND huyện và Ban Quản lý Đầu tư – Phát triển đảo Phú Quốc. Cho phép thành lập thêm 3 phòng chuyên môn thuộc UBND huyện gồm: Phòng Ngoại vụ; Phòng Công thương – Du lịch (tách ra từ Phòng Kinh tế) và Phòng Giao thông – Vận tải (tách ra từ Phòng Quản lý đô thị).

Cuối cùng, là các nội dung kiến nghị cơ chế, chính sách về ưu đãi đầu tư, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, chính sách nhà ở - đất ở và một số cơ chế tài chính khác cho đầu tư và phát triển.

Trong đó đáng chú ý là nội dung kiến nghị cho phép Kiều bào nước ngoài được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất trên đảo Phú Quốc theo định suất; đồng thời cho phép người nước ngoài thường trú tại Việt Nam và các chủ đầu tư nước ngoài được mua nhà và thuê đất tại Phú Quốc.

Theo kế hoạch dự kiến của Tổ công tác, các nội dung kiến nghị vừa nêu sẽ được Tổ tập hợp, đánh giá lại một lần nữa trước khi chính thức trình Thủ tướng xem xét, quyết định vào cuối năm nay.

Nguồn UBND Kiên Giang


Sự kiện