Kiểm toán PVFC nêu hạn chế về dự phòng rủi ro tín dụng liên quan đến Falcon và Vinashinlines
Thứ nhất, về dự phòng rủi ro tín dụng, tại ngày 31/12/2012, tổng dư nợ tín dụng PVFC đã cấp cho một số công ty thuộc Vinashin là 1.057 tỷ đồng (bao gồm cả dư nợ Công ty TNHH vận tải viễn dương Vinashinlines đã được bàn giao sang Vinalines từ năm 2010) và một số công ty thuộc Vinalines là 1.669 tỷ đồng (bao gồm cả dư nợ với Falcon và không bao gồm dư nợ Vinashinlines). Falcon là Công ty cổ phần vận tại dầu khí Việt Nam, một đơn vị trực thuộc
Trong năm 2012, PVFC đã trích bổ sung dự phòng số tiền 63,4 tỷ đồng đối với khoản cho vay một đơn vị trực thuộc Vinashin đồng thời có kế hoạch trích lập dự phòng theo lộ trình đối với các khoản tín dụng này. Hiện tại, PVFC đang tiếp tục làm việc với Vinashin, Vinalines và các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền về phương án xử lý và thu hồi các khoản cho vay này.
Tại ngày 31/12/2012, số dư cho vay đồng tài trợ đối với Falcon trị giá 735 tỷ đồng, cùng số lãi dự thu là 83,3 tỷ đồng, đã ngừng thu từ năm 2011. Tài sản đảm bảo hiện tại là tàu biển, được định giá 186 tỷ đồng vào năm 2007. Trong năm 2012, PVFC đã tiếp nhận thêm tài sản đảm bảo là 2 xe ô tô và đang trong quá trình xử lý bán tài sản đảm bảo là tàu biển. Ngoài ra, PVFC nhận tài sản đảm bảo bổ sung là các tài sản hình thành từ dự án Cảng Phú Hữu và đang tiếp tục hoàn thiện các thủ tục pháp lý.
Cũng tại thời điểm cuối năm 2012, PVFC có khoản ủy thác cho vay thông qua Công ty tài chính TNHH MTC công nghiệp tàu thủy (VFC) đối với Vinashinlines với số dư gốc vay là 422 tỷ đồng, cùng số dư lãi dự thu 44 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo cho khoản vay này là các tàu biển được định giá năm 2009 với giá trị 136 tỷ đòng. Ngoài ra, khoản vay này được bảo lãnh cam kết trả nợ thay bởi Vinashin.
Đề án tái cơ cấu Vinalines giai đoạn 2012-2015 đã được phê duyệt, theo đó Falcon và Vinashinlines thuộc danh sách doanh nghiệp thực hiện phá sản. Đến thời điểm hiện tại, PVFC chưa thu thập được đầy đủ thông tin về kế hoạch cũng như phương án xử lý nợ khi 2 công ty trên phá sản theo quyết định của Chính phủ.
Kiểm toán Deloitte cho biết không thể xác định được giá trị có thể thu hồi đối với các số dư tín dụng này và mức dự phòng rủi ro tín dụng cần phải trích lập tương ứng tại ngày 31/12/2012.
Căn cứ vào văn bản chỉ đạo của cơ quan quản lý Nhà nước về xem xét khoanh nợ, cơ cấu lại các khoản nợ của Vinalines, PVFC đã thực hiện giữ nguyên trạng thái nợ đối với khoản cho vay này và chưa trích dự phòng bổ sung và giữ nguyên giá trị tài sản đảm bảo là tàu biển.
Thứ hai, tại khoản mục ứng trước cho khách hàng, một số hợp đồng ủy thác đầu tư trả chậm và ứng trước uy quyền bán đã đến hạn nhưng các nhà đầu tư không nhận lại danh mục đầu tư và hoàn trả PVFC số tiền nhận ứng trước khoảng 580 tỷ đồng và số phí ứng trước khoảng 115 tỷ đồng.
PVFC đã tiến hành xử lý danh mục đầu tư nhận ủy thác tương ứng như tài sản đảm bảo cho các khoản này.
PVFC đã đánh giá và trích dự phòng phải thu khó đòi số tiền khoảng 279 tỷ đồng cho toàn bộ số lãi dự thu và một phần gốc ủy thác kể trên. Ngày 24/12/2010, PVFC đã ký hợp đồng chuyển nhượng danh mục các khoản đầu tư kể trên cho một đối tác trong nước với thời hạn thực hiện hợp đồng là ngày 24/12/2011 với giá không thấp hơn giá trị sổ sách của danh mục.
Hợp đồng này đã được gia hạn thời gian thực hiện tới ngày 24/12/2015 và PVFC tin tưởng hợp đồng sẽ được thực hiện trong thời gian tới.
Nguồn Dân Việt/HSX