Kiểm toán nội bộ: Áp lực chuyển dịch
Vinamilk đã làm cuộc thay đổi đặc biệt khi lập Tiểu ban kiểm toán và xóa bỏ mô hình Ban kiểm soát. Động thái này cho thấy, cùng sự phát triển của nền kinh tế, các doanh nghiệp lớn cũng đã tính đến chuyện chuyển đổi mô hình hoạt động theo hướng tiên tiến hơn.
Sức ép chuyển dịch
Thực tế, kể từ sau vụ gian lận tài chính ở Worldcom và Enron (Mỹ) cách đây 16 năm, vấn đề kiểm toán nội bộ đã rất được chú ý. Đặc biệt, Đạo luật Sarbanes-Oxley của Mỹ ra đời năm 2002 còn quy định các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ phải có kiểm toán nội bộ. Mỹ, Singapore, châu Âu…đều yêu cầu doanh nghiệp, nhất là những tập đoàn kinh tế lớn, phải thiết lập ủy ban kiểm toán, bên cạnh ủy ban tài chính và ủy ban tổ chức trực thuộc hội đồng quản trị. Ủy ban kiểm toán này sẽ do thành viên hội đồng quản trị độc lập trực tiếp phụ trách, quản lý trực tiếp bộ phận kiểm toán nội bộ của doanh nghiệp, thực hiện chức năng giám sát hội đồng quản trị và ban giám đốc. Ủy ban kiểm toán và Kiểm toán nội bộ có đầy đủ quyền lực, có nguồn lực và vị thế độc lập để thực hiện tốt vai trò giám sát của mình.
Đây là cách thức quản trị theo chuẩn mực quốc tế, đi theo mô hình một cấp. Thế giới đều đã quen thuộc nhưng Việt Nam thì chưa. Chỉ gần đây, Vinamilk mới tiên phong đi theo mô hình một cấp. Lâu nay, theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2015, vai trò của ban kiểm soát là rất lớn. Nhưng khảo sát của IFC cho thấy, ban kiểm soát ở doanh nghiệp Việt Nam thường bị cô lập, không được cung cấp nguồn lực, thông tin nên không thể đáp ứng được vai trò kiểm soát, giám sát ban điều hành và ban quản trị. Gần đây, Việt Nam cũng đã thừa nhận sự mờ nhạt của ban kiểm soát và đưa vào luật (Điều 134) mô hình quản trị một cấp, tức chấp nhận cho bỏ ban kiểm soát.
Đi vào chi tiết hoạt động kiểm toán nội bộ, theo Bộ Tài chính, từ năm 2017, có thể các công ty niêm yết sẽ bắt buộc kiểm toán nội bộ theo chuẩn quốc tế, thay vì chỉ khuyến khích như trước năm 2016. Nghĩa là các doanh nghiệp Việt Nam sẽ thực hiện kiểm toán nội bộ theo khung chuẩn mực quốc tế (IPPF) của Hiệp hội Kiểm toán Mỹ (IIA) và quản trị rủi ro, kiểm soát nội bộ theo chuẩn quốc tế COSO (Committee of Sponsoring Organization). Đặc biệt, với những đột phá về công nghệ, dựa trên nền tảng di động, phân tích dữ liệu, mạng xã hội, điện toán đám mây và Internet of Things, đại diện hãng kiểm toán PwC dự đoán, sẽ có nhiều doanh nghiệp áp dụng những ứng dụng và nền tảng hạ tầng mới để tạo bước ngoặt cũng như kiểm soát hoạt động được chặt chẽ hơn.
Thời đại công nghệ đang làm phát sinh nhu cầu lưu trữ, quản lý, bảo mật dữ liệu khổng lồ (Big Data). Dẫn chứng của Amazon cho thấy, trung bình mỗi ngày, hãng này giao dịch hàng trăm triệu đơn hàng, đến từ khắp thế giới. Việc tiếp nhận, quản lý, xử lý thông tin, kết nối dữ liệu từ người bán, người mua, giao nhận hàng hóa, việc nhập hàng, xuất hàng, quản lý kho… trở nên rất phức tạp. Nếu không có công nghệ hỗ trợ, từ hệ thống mã vạch, thiết bị cầm tay nạp sẵn đơn hàng và định vị món hàng…, việc quản lý ở Amazon có lẽ đã rối tung và rủi ro rất dễ xảy ra. Đó là chưa kể đến các cuộc tấn công về an ninh không gian mạng, quyền riêng tư và khả năng phục hồi hệ thống...
Với thực tế này, không riêng Amazon mà hầu hết các tập đoàn quốc tế đều đầu tư công nghệ chuyên sâu để quản lý kiểm soát hoạt động. Các công ty Việt Nam cũng đã nhận thấy sự cấp thiết của việc đầu tư công nghệ.
Tuy nhiên, khi đầu tư công nghệ, doanh nghiệp Việt Nam thường băn khoăn 3 vấn đề: lựa chọn công nghệ nào, nguồn kinh phí và giá trị của khoản đầu tư sau quá trình thực hiện. Vì thế, riêng trong ngành kiểm toán nội bộ, theo quan sát của PwC Việt Nam, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tận dụng được các giải pháp công nghệ để quản lý danh mục rủi ro, đánh giá rủi ro. Các nghiệp vụ như kiểm tra kiểm soát, đánh giá phân tích phát hiện kiểm toán, báo cáo và truyền thông kết quả kiểm toán, theo dõi việc thực hiện khuyến nghị của kiểm toán nội bộ… vẫn chưa thật chuyên nghiệp.
Trong khi đó, theo bà Nguyễn Mỹ Hạnh, Giám đốc bộ phận tư vấn rủi ro công nghệ Thông tin, PwC Việt Nam, xu hướng mới là doanh nghiệp ngày càng trông đợi kiểm toán nội bộ phải trở thành cố vấn tin cậy giúp mang lại nhiều giá trị cho doanh nghiệp trong hoạt động tư vấn, thậm chí đối với những quyết định mang tính chiến lược. Nghĩa là bộ phận kiểm toán nội bộ không còn dừng ở vai trò giám sát tính tuân thủ nữa.
Doanh nghiệp cần làm gì?
Để kiểm toán nội bộ trở thành cố vấn cho doanh nghiệp, theo PwC, các công ty phải đầu tư nhiều cho nhân lực và công nghệ. Nhưng nhân lực cho ngành kiểm toán nội bộ ở Việt Nam đang rất thiếu. Dựa trên khung hành nghề quốc tế, CIA là chứng chỉ duy nhất hiện nay được quốc tế công nhận dành cho nhân viên kiểm toán nội bộ được cấp bởi IIA. Trên thế giới, có hơn 115.000 kiểm toán viên sở hữu chứng chỉ này nhưng Việt Nam mới chỉ có 44 người sở hữu CIA, trong khi các nước trong khu vực, bình quân có khoảng 3.000-4.000 kiểm toán viên đạt CIA.
Bên cạnh đó, theo số liệu của IIA năm 2016, hầu hết các kiểm toán viên nội bộ chỉ được đào tạo trung bình từ 21-40 giờ mỗi năm, trong khi thực tế yêu cầu thời gian đào tạo tối thiểu đối với một kiểm toán viên nội bộ là 40-80 giờ.
Về mặt công nghệ, khảo sát từ IIA cho hay, doanh nghiệp thường sử dụng 4 phần mềm/công cụ phổ biến trong kiểm toán/kiểm soát nội bộ. Đó là phần mềm quản lý kiểm toán nội bộ, công cụ phân tích dữ liệu, phần mềm kiểm toán liên tục/thời gian thực và phần mềm GRC (quản trị, rủi ro và tuân thủ). Đây đều là những phần mềm đặc thù và không phải doanh nghiệp nào cũng nhuần nhuyễn sử dụng.
Rõ ràng, trong nhiều trường hợp, các doanh nghiệp cần nhờ thêm nguồn lực từ bên ngoài nếu muốn chuyển đổi hoạt động kiểm toán nội bộ cho phù hợp với xu hướng công nghệ. Theo báo cáo của Dereck Barr, việc thuê ngoài đang được các tổ chức tài chính và doanh nghiệp niêm yết sử dụng. Những doanh nghiệp có 50-300 lao động sử dụng dịch vụ bên ngoài nhiều nhất.
Hiện tại, một số công ty như PwC Việt Nam, KPMG Việt Nam, Grant Thornton Việt Nam… đã triển khai các dịch vụ liên quan đến kiểm toán nội bộ. Nhưng mỗi đơn vị có thế mạnh riêng. Chẳng hạn, PwC Việt Nam hiện là thành viên của mạng lưới các công ty PwC tại 157 quốc gia, chuyên cung cấp các dịch vụ liên quan đến kiểm toán, tư vấn quản lý tài chính, tư vấn thuế và pháp lý. Mới đây, PwC Việt Nam còn kết hợp với TeamMate (cung cấp các giải pháp quản lý kiểm toán, thuộc Wolters Kluwer) để hướng dẫn cho doanh nghiệp cách thức chuyển dịch hoạt động kiểm toán.
KPMG thì phát triển dịch vụ tư vấn kiểm toán nội bộ dựa trên hệ thống quản trị rủi ro doanh nghiệp (ERM), đối chiếu với các thông lệ tốt và các quy định tuân thủ quản lý rủi ro. Riêng Grant Thornton triển khai dịch vụ kiểm toán tùy vào nhu cầu, theo chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) hay nguyên tắc kế toán được chấp nhận chung ở Mỹ (US GAAP). Grant Thornton còn sử dụng các công cụ như Voyager (lập tài liệu, đánh giá hiệu quả các thiết kế và thử nghiệm kiểm toán nội bộ), IDEA (phân tích và dẫn suất số liệu) để triển khai dịch vụ kiểm toán.
Thủy Ngọc