Kiểm toán chỉ ra nhiều sai phạm, mất vốn của DNNN
Đây là nội dung được Kiểm toán Nhà nước (KTNN) báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 63/2013 của Quốc hội về tăng cường các biện pháp đấu tranh, chống tội phạm.
Theo KTNN, vẫn còn tình trạng các DNNN quản lý công nợ, hàng tồn kho và vốn Nhà nước kém hiệu quả, gây lãng phí, tiềm ẩn rủi ro kinh doanh thua lỗ, mất vốn…
Bên cạnh đó, việc thực hiện các chương trình mục tiêu, dự án quốc gia thiếu đồng bộ, phân bổ vốn thiếu tập trung, dàn trải, không đúng nội dung, mục tiêu.
Tình trạng thất thoát, lãng phí và mất vốn tại các DNNN vẫn đang là gánh nặng của nền kinh tế |
Trong phần báo cáo gửi Quốc hội, tuy không chỉ đích danh các DNNN nào nhưng KTNN cho biết đã chuyển 01 hồ sơ vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện qua hoạt động kiểm toán (từ kết quả kiểm toán năm 2014) sang cơ quan điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật đối với một số hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật gây lãng phí hàng trăm tỉ đồng tại Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện.
Kiểm toán nhà nước đề nghị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng - Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm Bộ Công an điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật đối với một số hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật gây lãng phí hàng trăm tỉ đồng tại Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện.
Bên cạnh đó, cơ quan điều tra cũng đã tiếp nhận kết quả điều tra 01 vụ việc do KTNN chuyển năm 2012 từ Cơ quan Cảnh sát điều tra.
Đó là vụ án về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại công ty lương thực Thanh Nghệ Tĩnh và 3 công ty khác; khởi tố 4 bị can và chuyển hồ sơ vụ việc đến Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An để tiến hành khởi tố điều tra theo thẩm quyền.
Đến 30/9/2014, toàn ngành đã triển khai 151/186 cuộc kiểm toán, bằng 81,2% số cuộc kiểm toán thuộc Kế hoạch kiểm toán năm 2014, kết thúc kiểm toán tại 122 đầu mối, đã phát hành 65 báo cáo kiểm toán.
Tổng hợp sơ bộ kết quả kiểm toán đến ngày 30/9/2014 của 65 cuộc kiểm toán đã có báo cáo kiểm toán phát hành, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính gần 5,4 ngàn tỷ đồng. Trong đó, tăng thu 1,32 ngàn tỷ đồng, giảm chi 888 tỷ đồng và xử lý khác gần 3,2 ngàn tỷ đồng.
Mất vốn
Câu chuyện làm thất thoát vốn của các DNNN được bàn nhiều trong thời gian qua và đây cũng được xem là gánh nặng nợcủa nền kinh tế.
Hiện nếu tính cả 86.000 tỷ đồng của Vinashin thì ngay từ cuối năm 2009 nợ của doanh nghiệp nhà nước đã lên tới 54,2% GDP của năm này. Riêng Vinashin có dư nợ đến hạn phải trả khoảng trên 14.000 tỷ đồng nhưng không thể tự cân đối được dòng tiền…
Báo cáo cuối năm 2013 của Chính phủ cho thấy tổng nợ của các doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ tính đến cuối năm 2012 là gần 1.550 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 52,5% GDP.
Nếu loại trừ phần cụ thể đã được Chính phủ bảo lãnh (5,2% GDP trong nợ công nước ngoài và 6,5% GDP trong nợ công trong nước) thì vẫn còn tới khoảng 40,9% GDP nợ của doanh nghiệp nhà nước không được Chính phủ bảo lãnh.
Nguồn Báo Đất Việt