Walmart có doanh thu năm 2019 đạt 510 tỉ USD. Ảnh: AP.

 
Hà Cúc Thứ Tư | 30/12/2020 14:00

Kiếm tỉ USD qua Walmart

Kênh xuất khẩu hàng hóa qua hệ thống siêu thị nước ngoài đang đạt hiệu quả khả quan.

Theo Bộ Công Thương, Việt Nam đã xuất siêu kỷ lục hơn 20 tỉ USD trong 11 tháng năm 2020 và đã có 31 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỉ USD. Việt Nam có nhiều cơ hội gia tăng khả năng xuất khẩu trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do đã được thực thi.

Xuất khẩu qua kênh siêu thị 

Đáng chú ý, với sự hỗ trợ của các tập đoàn phân phối bán lẻ hàng đầu thế giới, nhiều hàng hóa của Việt Nam, từ nông sản, thực phẩm tới đồ gia dụng, nội thất, dệt may... đã đến được nhiều thị trường mới trên thế giới. “Xuất khẩu vào hệ thống phân phối của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài đã trở thành một kênh xuất khẩu hiệu quả, bền vững”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định.

 

Chẳng hạn, Việt Nam đặt mục tiêu đưa kim ngạch xuất khẩu vào hệ thống AEON Nhật đạt 500 triệu USD vào năm 2020 và 1 tỉ USD vào năm 2025. Năm 2020 cũng đánh dấu sự kiện lần đầu tiên quả vải tươi Việt Nam được bán tại chuỗi siêu thị AEON với giá cao, thâm nhập được vào một thị trường khó tính như Nhật.

Ngoài AEON, cả Central Group, Lotte Mart, Mega Market và NTUC FairPrice... cũng đã hỗ trợ để hàng Việt  bán vào các siêu thị Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore. Đáng chú ý, Lotte Mart đã hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam để sản xuất hơn 1.500 sản phẩm hàng hóa mang thương hiệu Choice L. Mega Market Việt Nam cũng xuất khẩu 6.000 tấn nông sản Việt trong năm 2020.

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều lực cản trước khi thúc đẩy được tiềm năng xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam, đặc biệt từ ngay chính năng lực của doanh nghiệp sản xuất. Ông Yuichiro Shiotani, Tổng Giám đốc Công ty AEON TopValu Việt Nam, cho biết đang có 10 công ty Việt Nam được xuất khẩu trực tiếp qua hệ thống phân phối của AEON ở Malaysia, Campuchia, Nhật với kim ngạch đạt 7 triệu USD. Từ năm 2018, AEON đã hướng dẫn trực tiếp hàng trăm nhà cung ứng tại Việt Nam. Mặc dù vậy, không có nhiều doanh nghiệp đủ năng lực tham gia chương trình này.

Tương tự, đại diện của Walmart, nhà bán lẻ lớn nhất thế giới, cho biết đang tìm kiếm vài ngàn mã hàng của Việt Nam, nhưng hiện mới chỉ mua được vài mặt hàng. “Lý do là vì doanh nghiệp Việt Nam chưa hiểu thị trường tiêu dùng Mỹ và chưa phát triển sản phẩm phù hợp với thị hiếu. Walmart cũng ưu tiên làm việc trực tiếp với doanh nghiệp Việt Nam, nhưng cần một kênh kết nối chủ động hơn”, ông Vince Trần, Trưởng phòng cấp cao II, Bộ phận Phát triển ngành Công ty Dịch vụ WMGS Việt Nam (đại diện Walmart tại Việt Nam), cho biết.

 

Xây hệ sinh thái xuất khẩu

Walmart hiện có mặt tại gần 30 quốc gia, tổng doanh thu trong năm 2019 đạt hơn 510 tỉ USD với số lượng khách hàng phục vụ bình quân 270 triệu khách/tuần nên nhu cầu tìm kiếm sản phẩm mới là rất lớn.

Nếu ký được hợp đồng với Walmart, mỗi đơn hàng thường có số lượng lớn, kéo dài và ổn định từ 4-6 năm. Ấn Độ, đối thủ cạnh tranh của Việt Nam, đã là một trong những thị trường tìm nguồn cung ứng hàng đầu của Walmart với kim ngạch xuất khẩu hằng năm trị giá khoảng 3 tỉ USD. Thông qua Walmart, các sản phẩm do Ấn Độ sản xuất như quần áo, đồ gia dụng, đồ trang sức đã đến tay khách hàng tại 14 thị trường, bao gồm Canada, Mexico, các nước Trung Mỹ và Anh.

Theo ông Ma Jung Uk, Giám đốc Lotte Mart tại Hà Nội, hệ thống này đang lên kế hoạch tăng sản lượng xuất khẩu sang Hàn Quốc vào năm sau. Tuy nhiên, khó khăn là năng lực sản xuất liên tục, lâu dài của nhà cung cấp, nhất là với hàng phi thực phẩm. Hơn nữa, chi phí vận chuyển hàng hóa Việt Nam đang cao hơn Thái Lan 1 USD/kg nên có sức cạnh tranh kém hơn...

Rõ ràng, để đạt mục tiêu xuất khẩu, Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực phát triển mạng lưới các hãng phân phối bán lẻ đang hiện diện tại Việt Nam hoặc quan tâm tới chuyển dịch chuỗi cung ứng sang thị trường Việt Nam. Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), cho biết, với quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu lên tới hơn 500 tỉ USD, hoạt động xúc tiến xuất khẩu cần tương xứng hơn.

 

“Nguồn lực ngân sách nhà nước dành cho xúc tiến thương mại còn dàn trải cả trung ương và địa phương, bộ ngành, nên nhiều hoạt động có phần bị chồng chéo, trùng lắp. Hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông marketing theo xu hướng mới hiện đại còn hạn chế”, ông Phú nhận định.

Việc đưa hàng Việt vào chuỗi siêu thị ngoại gặp nhiều khó khăn khi có trên 95% nhà xuất khẩu của Việt Nam vào Walmart hiện nay là các doanh nghiệp FDI đầu tư tại Việt Nam. Vì vậy, năm 2021, đại diện Walmart mong muốn có kênh kết nối chủ động giữa siêu thị với nhà phân phối, đề xuất Việt Nam tổ chức một ngày hội nhà cung cấp với đa dạng các mặt hàng. Về lâu dài, doanh nghiệp Việt Nam nên liên kết lại với nhau, cùng nghiên cứu, đầu tư máy móc công nghệ để nâng cao năng suất, đủ năng lực ký những hợp đồng lớn, dài hạn, đồng thời, có giải pháp hạ giá thành sản phẩm để tăng sức cạnh tranh.

Còn theo đại diện của Tập đoàn Mega Market, hệ thống này quan tâm tới chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả. Vì vậy, Mega Market đề xuất Bộ Công Thương phối hợp với các hiệp hội, doanh nghiệp tổ chức tập huấn cho hộ nông dân để nâng cao kỹ năng trồng trọt, chăm sóc, đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm...; cung cấp thông tin cơ bản, hữu ích về từng hệ thống cũng như giới thiệu quy trình lựa chọn nhà cung cấp, các yêu cầu, tiêu chuẩn của một số mặt hàng khi xuất khẩu vào từng hệ thống phân phối.

Bên cạnh đó, đưa ra chính sách phù hợp thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào hình thức xuất khẩu trực tiếp, trên nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới..