Thứ Sáu | 28/02/2014 20:33

Kiểm soát lạm phát năm 2014 khoảng 6%

Đó là chỉ đạo của Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 2 hôm 28/2 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các Phó Thủ tướng: Nguyễn Xuân Phúc, Hoàng Trung Hải tại phiên họp. (Ảnh: VGP)

Về tái cơ cấu DNNN, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện tái cơ cấu DNNN theo đề án đã được phê duyệt, trong đó tập trung đẩy mạnh cổ phần hoá, bán, thoái vốn đầu tư ngoài ngành, tăng cường quản lý nhà nước, kiểm tra, giám sát đối với các DNNN.

Kinh tế vĩ mô ổn định hơn, song sản xuất vẫn khó

Chính phủ đã thảo luận và thống nhất đánh giá, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục đạt kết quả tích cực, đúng hướng trên hầu hết các lĩnh vực. Lạm phát tiếp tục được kiểm soát, kinh tế vĩ mô chuyển biến tích cực, ổn định hơn. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 02 tăng 0,55%, 2 tháng tăng 1,24%, là mức tăng thấp nhất trong 10 năm qua.

Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục ổn định và có xu hướng giảm, tỷ giá được duy trì ổn định; Dự trữ ngoại hối Nhà nước tăng cao, đạt trên 12 tuần nhập khẩu; nợ xấu của các tổ chức tín dụng giảm.

Bên cạnh đó, xuất khẩu vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, kim ngạch xuất khẩu tháng 2 ước đạt 9,6 tỷ USD, tính chung 2 tháng đầu năm đạt trên 21 tỷ USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ. Trong khi kim ngạch nhập khẩu đạt 10,8 tỷ USD, tính chung 2 tháng đạt hơn 20,8 tỷ USD, tăng 17%. Nhờ đó sau 2 tháng, cán cân thương mại thặng dư khoảng 244 triệu USD.

Vốn đầu t­­ư trực tiếp nư­­ớc ngoài (FDI) thực hiện tăng 6,7%; vốn ODA và vốn vay ưu đãi giải ngân tăng 5% so với cùng kỳ. Tổng thu NSNN 2 tháng ước đạt 16,6% dự toán, tăng 12,9% so với cùng kỳ; tổng chi NSNN đạt 14,9% dự toán, tăng 4,3%...

Đặc biệt, tình hình sản xuất kinh doanh và niềm tin của DN tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực. Theo đó, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 2 tuy giảm so với tháng trước (chủ yếu do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài) nhưng so với cùng kỳ năm trước thì tăng khá cao (15,2%); tính chung 2 tháng đầu năm tăng 5,4%. Trong 2 tháng, cả nước có gần 11 nghìn DN thành lập mới với tổng số vốn đăng ký gần 63 nghìn tỷ đồng, tăng 13,1% về số DN và 28,4% về vốn đăng ký so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận, tình hình sản xuất kinh doanh, tiếp cận vốn của DN tiếp tục khó khăn. Số DN giải thể, tạm ngừng hoạt động tăng 12,2% so với cùng kỳ. Tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng thấp; tổng dư nợ tín dụng giảm...

Mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 6%

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2014, Chính phủ yêu cầucác Bộ, ngành, địa phương cần tập trung giải ngân nhanh vốn đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, ODA, FDI. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm chất lượng, tránh thất thoát, lãng phí.

Bên cạnh đó, tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả các biện pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh xuất khẩu, đồng thời kích thích tiêu dùng nội địa. Tập trung quản lý tốt giá cả, thị trường; tăng cường phòng chống gian lận thương mại, buôn lậu, hàng giả, trốn thuế; kiểm tra, kiểm dịch vệ sinh an toàn thực phẩm và giám sát chặt chẽ việc vận chuyển gia súc, gia cầm qua biên giới, không để dịch bệnh xâm nhập, lây lan...

Với NHNN Việt Nam, Chính phủ yêu cầu chỉ đạo đẩy mạnh cho vay, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên, bảo đảm mục tiêu dư nợ tín dụng đề ra phân bổ đều trong các tháng, không để dồn vào cuối năm. Đồng thời, tiếp tục tập trung xử lý hiệu quả nợ xấu của các TCTD, phát huy vai trò của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC).

Bên cạnh đó, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Chương trình tín dụng cho phát triển nông nghiệp với quy mô, đối tượng, thời hạn hợp lý và lãi suất thấp; Phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo, bảo đảm hiệu quả.

Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu phối hợp chặt chẽ trong điều hành chính sách tài khóa - tiền tệ, bảo đảm điều tiết lượng cung tiền hợp lý để kiểm soát lạm phát thấp hơn (khoảng 6%) trong năm 2014; trên cơ sở đó, tiếp tục hạ mặt bằng lãi suất để tạo thuận lợi cho phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh. Duy trì ổn định tỷ giá, cải thiện cán cân thanh toán, tăng dự trữ ngoại hối.

Phương Linh

Nguồn Thời báo Ngân hàng


Sự kiện